Lợi ích của Cúc tần đối với sức khoẻ

Thứ năm, 06/02/2025 | 16:05

Cúc tần là loại thảo dược được dùng trong các bài thuốc dân gian điều trị các bệnh cảm sốt, ho, nhức đầu, sốt xuất huyết, nóng không đổ mồ hôi, đặc biệt là bệnh đau nhức xương, phong tê bại, đau thắt lưng,…

Cúc tần là gì?

Cây Cúc tần
Cây Cúc tần

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm - Giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Cúc tần có tên gọi khác là cây lức, cây lức ấn, cây từ bi, cây nan luật. Danh pháp khoa học của cúc tần là Pluchea indica (L.) Less,  thuộc họ Cúc - Asteraceae.

Cúc tần thuộc loại cây nhỏ, cao khoảng 2 - 3m, thân lúc đầu có phủ lông, sau nhẵn. Lá hình bầu dục, mép lá có răng cưa, mặt dưới có lông mịn. Cụm hoa mọc thành ngù đầu ở ngọn, cuống ngắn, màu tím nhạt. Quả bế hình trụ, 10 cạnh. Cúc tần ra hoa và quả vào tháng 12. Thân ngọn, lá và rễ cây được thu hoạch cây cúc tần quanh năm để làm dược liệu, tốt nhất là vào mùa hè, dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học của cúc tần chứa hàm lượng tinh dầu cao bao gồm camphor, borneol, limonen, cineol và các thành phần khác như xenluloza, vitamin C, canxi, lipid, sắt, caroten, protein.

Công dụng của dược liệu của cúc tần đối với sức khoẻ

Theo y học cổ truyền

Cúc tần vị đắng, tính mát, quy vào hai kinh phế và thận. Trong dân gian dùng cây cúc tần để chữa cảm sốt,  cảm mạo, nhức đầu, nóng không ra mồ hôi, bệnh thấp khớp, đau nhức xương, đau lưng, làm thuốc lợi tiểu, sát trùng, tiêu đờm, tiêu viêm, cầm máu, làm dịu các triệu chứng viêm phế quản, hen suyễn thông qua việc sử dụng dưới dạng nấu cháo hoặc uống nước cốt. Lá cúc tần chữa gai cột sống và tiêu trĩ. Lá cúc tần giã nát trộn với rượu đắp lên vùng đau lưng hoặc sử dụng lá sắc nước uống để lợi tiểu và giảm đau lưng.

Theo Y học hiện đại

Các thành phần tinh dầu trong Cúc tần bao gồm camphor, limonen, cineol, borneol,…có tác dụng kháng viêm mạnh, giảm đau, tiêu diệt một số chủng vi nấm, vi khuẩn thường gặp như Candida albicans, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Microsporum gypseum,…Hoạt chất trong rễ cúc tần có khả năng gây ức chế tác nhân gây sưng phù khớp. Hoạt chất ꞵ-sitosterol và stigmasterol trong cây cúc tần có tác dụng hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường và trung hòa nọc độc của loài rắn. Rễ và lá Cúc tần có tác dụng làm săn, hạ nhiệt dùng dưới dạng nước sắc làm thuốc ra mồ hôi chữa cảm sốt. Nước ép lá cúc tần được dùng điều trị lỵ.

Liều dùng & cách dùng

Dùng thuốc sắc, 6 - 8 g/ngày. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cúc tần

Bài thuốc chữa cảm sốt, nhức đầu

Cách thực hiện: Chuẩn bị lá cúc tần 8g, lá sả 8g, lá chanh 8g. Đem toàn bộ các dược liệu sắc lấy nước uống khi còn ấm. Phần bã còn lại sắc thêm lần nữa dùng để xông hơi 15 phút cho ra mồ hôi để hạ sốt.

Bài thuốc chữa đau mỏi lưng

Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 nắm thân cây cúc tần, rửa sạch, để ráo rồi giã nhuyễn, trộn thêm 1 thìa rượu trắng, đem sao vàng, đổ vào một chiếc khăn mỏng và đắp lên lưng.

Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, thấp khớp

Cách thực hiện: Chuẩn bị 20g rễ cây cúc tần, 10g đinh lăng, dây cam thảo 10g, rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g. Đem các dược liệu sắc lấy nước uống, thực hiện liên tục trong vòng 1 tuần.

Cây Cúc tần
Cúc tần chữa đau nhức xương khớp

Bài thuốc chữa viêm phế quản

Cách thực hiện: Chuẩn bị 2 nắm gạo, cúc tần 20g, gừng tươi 3g, thịt lợn nạc 50g.Tthịt lợn đem băm nhỏ, gừng rửa sạch và thái thành lát mỏng, gạo vo sạch, tất cả đem nấu cháo cho nhừ, sau đó ăn khi đói và cháo còn nóng, ăn3 bữa/ngày và dùng liên tục trong 3 ngày.

Bài thuốc chữa bầm tím do chấn thương

Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 nắm lá cây cúc tần tươi, rửa sạch, đem giã nhuyễn, đắp trực tiếp lên vùng da bị bầm dập do chấn thương. Thực hiện cách làm này cho đến khi tình trạng bầm tím không còn nữa.

Bài thuốc chữa hen suyễn

Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 bó cúc tần, 1 bó rau muống, nhặt lấy phần non của cúc tần và rau muống, rửa sạch, ngâm nước muối 30 phút, đem giã nhuyễn và lọc lấy phần nước cốt để uống. Dùng liên tục 1 tháng để đạt hiệu quả tối đa.

Bài thuốc giảm căng thẳng

Cách thực hiện: Chuẩn bị 50g cúc tần, 50g hoa cúc trắng, 100g đu đủ chín vừa tới, 100g óc lợn. Rửa sạch các nguyên liệu rồi cho đu đủ, cúc tần, hoa cúc trắng vào nồi cùng 1 lít nước, nấu cho sôi sau đó thêm óc lợn vào, ninh trong 20 phút. Dùng món này ăn trong bữa chính, mỗi ngày 2 lần, duy trì 7 ngày liên tục.

Bài thuốc chữa bệnh trĩ

Cách thực hiện: Chuẩn bị mỗi thứ 1 nắm gồm lá cúc tần, lá lốt, lá sung, lá ngải cứu, vài lát nghệ tươi. Đem tất cả nguyên liệu này nấu sôi rồi đợi cho nước hạ bớt nhiệt sau đó xông hơi hậu môn 15 phút. Đến khi nước còn ấm thì cho vào chậu và tiếp tục ngâm hậu môn trong 15 phút nữa rồi lấy khăn bông mềm thấm khô. Tùy vào mức độ trĩ mà duy trì cách chữa này trong khoảng 3 tuần đến 2 tháng.

Bài thuốc chữa gai cột sống

Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 nắm lá cúc tần tươi, 1/4 lon bia, 1 chút muối. Cúc tần rửa sạch, đem giã nhuyễn rồi trộn cùng muối và bia để vắt lấy nước uống. Dùng như vậy liên tiếp 7 ngày.

Bài thuốc chữa bí tiểu

Cách thực hiện: Lấy 100g lá cúc tần tươi hoặc 40g cúc tần khô sắc nước uống thay nước lọc.

Tóm lại, cúc tần là vị thuốc dân gian được dùng trong y học cổ truyền với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, được sử dụng điều trị một số bệnh hiệu quả tại nhà. Tuy nhiên, để sử dụng thảo dược có hiệu quả, an toàn, người bệnh cần tham khảo hướng dẫn của của chuyên gia y tế trước khi sử dụng cúc tần trong phòng và chữa bệnh.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Hướng dẫn sử dụng các nhóm thuốc giảm đau thông dụng

Hướng dẫn sử dụng các nhóm thuốc giảm đau thông dụng

Thuốc giảm đau giúp ức chế tín hiệu đau từ não, mang lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Hiện nay, có nhiều loại thuốc giảm đau với cơ chế tác động khác nhau. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các loại thuốc giảm đau phổ biến.
Lợi ích của Cúc tần đối với sức khoẻ

Lợi ích của Cúc tần đối với sức khoẻ

Cúc tần là loại thảo dược được dùng trong các bài thuốc dân gian điều trị các bệnh cảm sốt, ho, nhức đầu, sốt xuất huyết, nóng không đổ mồ hôi, đặc biệt là bệnh đau nhức xương, phong tê bại, đau thắt lưng,…
Tìm hiểu về thuốc thông mũi và những điều cần biết khi sử dụng

Tìm hiểu về thuốc thông mũi và những điều cần biết khi sử dụng

Ô nhiễm môi trường và thay đổi thời tiết là nguyên nhân chính gây các bệnh lý về mũi, thường gặp triệu chứng nghẹt mũi gây khó chịu. Thuốc thông mũi là biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng này.
NHỮNG THỰC PHẨM DINH DƯỠNG GIÀU VITAMIN

NHỮNG THỰC PHẨM DINH DƯỠNG GIÀU VITAMIN

AVitamin A có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, cả từ nguồn động vật (dưới dạng retinol) và nguồn thực vật (dưới dạng beta-carotene, một tiền vitamin A). Dưới đây là danh sách thực phẩm giàu vitamin a bạn đọc cùng tham khảo nhé!
Đăng ký trực tuyến