Cây Đổ trọng là một loại dược liệu trong y học cổ truyền với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như chữa đau lưng mỏi gối, đau thần kinh tọa, chân tay yếu mỏi, phong tê thấp, cao huyết áp, hay tiểu đêm, …
Cây Đổ trọng là một loại dược liệu trong y học cổ truyền với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như chữa đau lưng mỏi gối, đau thần kinh tọa, chân tay yếu mỏi, phong tê thấp, cao huyết áp, hay tiểu đêm, …
Cây Đổ trọng là gì?
Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm - Giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Đỗ trọng có tên gọi khác là Mộc miên, Hậu đỗ trọng, Xuyên đỗ trọng, Ngọc ti bì, Miên hoa. Danh pháp khoa học là Eucommia ulmoides Oliv thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae).
Đỗ trọng thuộc cây thân gỗ, cao từ 15 - 20m, vỏ cây có màu xám. Vỏ thân và lá có nhựa mủ trắng, khi bẻ đôi sẽ có những sợi nhựa trắng mảnh như tơ.
Lá đơn mọc so le, hình tròn trứng, đuôi lá nhọn, mép lá khía răng cưa, màu xanh. Hoa đơn tính, hoa đực và hoa cái không có bao hoa, hoa đực mọc thành chùm, hoa cái tụ tập 5 - 10 cái ở nách lá. Quả có cánh mỏng dẹt, ở giữa hơi lồi, trong có một hạt. Hạt dẹt, hai đầu tròn, có thể dùng làm giống.
Bộ phận dùng làm thuốc của Đổ trọng là vỏ thân, được thu hái vào khoảng mùa hè, bằng cách dùng dao rạch dọc thân cây thành từng miếng để bóc lấy vỏ. Vỏ sau khi thu hái sẽ được xử lý qua nhiều công đoạn như luộc, nén, ủ, phơi khô, cạo sạch và xắt nhỏ để thu được đỗ trọng dạng miếng.
Thành phần hóa học có trong đỗ trọng bao gồm Vanillic acid, Potassium, Glycoside, Augoside, Sitosterol, Gutta-Percha, Vitamin C, Threo-guaiacyl, Erythro, N-triacontanol, Acid betulinic, Nonacosan, Ulmoprenol,…
Trong Đông y, đỗ trọng có tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt, thường dùng cho các trường hợp thận hư, đau thắt lưng, liệt dương, đau đầu, chóng mặt do thận hư, rong kinh.
Theo Y học cổ truyền
Đổ trọng có vị cay, ngọt, tính ấm, quy vào kinh Can và kinh Thận. Vị thuốc Đổ trọng có tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết, mạnh gân cốt, ích tinh khí, hạ huyết áp, làm ấm tử cung, an thai. Được dùng trong y học cổ truyền để chữa đau thần kinh tọa, chân tay yếu mỏi, đau nhức lưng, phong tê thấp, liệt dương, bại liệt, tăng huyết áp, hay tiểu đêm, động thai,…
Theo Y học hiện đại
Đổ trọng có tác dụng ức chế các vi khuẩn như phế cầu khuẩn, trực khuẩn coli, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch cầu, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn dung huyết B.
Đỗ trọng có tác dụng lợi tiểu, giảm đau, chống co giật, rút ngắn thời gian chảy máu, chống viêm, tăng cường hoạt động của vỏ tuyến thượng thận, tăng lưu lượng máu động mạch vành, giãn mạch, hạ cholesterol trong máu, làm thư giãn cơ trơn mạch máu giúp làm hạ huyết áp, điều chỉnh chức năng tế bào và tăng cường hoạt động miễn dịch của cơ thể.
Cách dùng – liều lượng
Liều dùng là 8 – 16g/ ngày, dược liệu đem sao và dùng ở dạng sắc, ngâm rượu hoặc chế thành cao lỏng.
Bài thuốc trị chứng đau lưng do thận dương hư
Cách thực hiện: Đỗ trọng 16g, hoài sơn16g, thục địa 26g, lộc giác giao 10g, đương quy 12g, câu kỷ tử 12g, thỏ ty tử 12g, nhục quế 8g, phụ tử 6g, Đem các vị dược liệu sắc uống hoặc tán bột và thêm mật làm thành viên hoàn uống.
Bài thuốc trị chứng đau lưng do thận âm hư
Cách thực hiện: Đỗ trọng 12g, câu kỷ tử 16g, sinh địa 16g nhục thung dung 12g, sơn thù 12g, thỏ ty tử 12g, ngưu tất 12g, hoài sơn 12g. Đem các vị dược liệu sắc uống hoặc tán thành bột mịn và trộn mật làm viên hoàn uống.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh tọa
Cách thực hiện: Đỗ trọng 30g, thịt lưng heo lượng vừa đủ. Đem hầm thịt heo với đổ trọng trong vòng 30 phút, sau đó bỏ dược liệu, ăn thịt và uống nước. Dùng liên tục trong 7 – 10 ngày.
Bài thuốc trị động thai và dọa sảy thai
Cách thực hiện: A giao 12g, tục đoạn 12g, tang ký sinh 12g, đương quy 12g, bạch truật (sao) 12g và đỗ trọng (sao) 12g, thỏ ty tử 4g. Đem các vị dược liệu sắc lấy nước uống trong ngày.
Bài thuốc trị di tinh, liệt dương
Cách thực hiện: Câu kỷ tử 160g, thỏ ty tử 160g, sơn dương 160g, ngưu tất 160g, sơn thù 160g, mạch môn160g, thục địa 230g, đỗ trọng 160g, lộc nhung 80g và ngũ vị tử 40g. Đem các vị dược liệu tán bột mịn và làm thành hoàn. Mỗi lần uống 12g với nước muối nhạt, ngày uống 2 lần.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị huyết áp cao
Cách thực hiện: Đỗ trọng 16g, mẫu lệ sống 20g, tang ký sinh 16g, câu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g. Đem tất cả dược liệu sắc uống trong ngày.
Bài thuốc trị chảy máu não và tai biến do huyết áp cao
Cách thực hiện: Đỗ trọng 12.5g, cam thảo 15.5g, lá sen 15.5g, bạch thược 16g, tang ký sinh, mạch môn 10g, sinh địa 10g. Đem các vị dược liệu sắc và chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục trong vòng 7 ngày.
Bài thuốc chữa nhiễm vi khuẩn Trichomonas
Cách thực hiện: Đỗ trọng 10g, hoạt thạch 12g, bối mẫu 12g, đương quy 10g, sinh địa 10g, xích thược 6g, vỏ quýt 3g, bạch thược 6g, xuyên khung 6g, rượu 40 độ 500ml. Đem các vị dược liệu ngâm rượu 40 độ trong vòng 7 ngày. Mỗi lần uống 20ml rượu thuốc, ngày dùng 2 lần.
Tóm lại, Đổ trọng là vị thuốc quý được sử dụng nhiều trong một số bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng hiệu quả chữa một số bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng cây Đổ trọng có hiệu quả và an toàn người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng cây Đổ trọng trong phòng và chữa bệnh.
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM
Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur