Lá vối được sử dụng trong đông y với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như trong việc chữa các bệnh lý mạn tính như gout, tiểu đường, mỡ máu cao, đau bụng tiêu hóa,…Hãy cùng tìm hiểu những lợi ích tuyệt vời của dược liệu này nhé.!
Lá vối được sử dụng trong đông y với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như trong việc chữa các bệnh lý mạn tính như gout, tiểu đường, mỡ máu cao, đau bụng tiêu hóa,…Hãy cùng tìm hiểu những lợi ích tuyệt vời của dược liệu này nhé.!
Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm - Giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Cây lá vối có tên gọi khác là Mạn kinh tử (hạt vối), cây trâm nắp. Danh pháp khoa học của cây lá vối là Eugenia operculata Roxb., thuộc họ Sim – Myrtaceae.
Cây lá vối là loài thân gỗ, cao tới 5 – 6m. Vỏ cây có màu nâu đen, nứt dọc, cành cây tròn hoặc thỉnh thoảng có hình 4 cạnh nhẵn. Lá vối có hình trái xoan, ngược, thót nhọn ở gốc, có mũi ngắn nhỏ ở chóp lá. Hoa lá vối gần như không có cuống, màu trắng lục nhạt, mọc thành 3 – 5 cụm trải ra ở những nách lá đã rụng. Nụ hoa vối dài nhỏ có 4 cánh, nhiều nhị. Quả vối hình cầu hoặc hình trứng, đường kính từ 7-12mm khi chín có màu tím sẫm, có dịch. Cây lá vối ra hoa vào tháng 5-7.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây vối là Nụ hoa, lá và vỏ thân. Lá, cành non và nụ vối có mùi thơm dễ chịu đặc trưng, dùng đun nước vối thay trà xanh để uống giải khát hàng ngày.
Thành phần hoạt chất trong lá vối chứa tanin catechic, tanin gallic, alcaloid, tinh dầu thơm, các chất béo, acid triterpenic, sterol, Beta – Sitosterol, một số vitamin và khoáng chất.
Theo y học cổ truyền
Lá vối vị đắng, chát, tính mát. Được quy vào kinh phế, can và bàng quang. Lá vối có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, điều hòa gan, phổi và bàng quang, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ, kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm, tiêu đờm, điều chỉnh huyết áp do gan nóng, hỗ trợ tiêu tích, kiện tỳ, giúp ăn ngon, kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, chống oxy hóa. Uống nước nấu lá vối hàng ngày vừa thơm, vừa tiêu thực, giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc, làm giảm mỡ máu, điều trị cảm nắng, điều hòa thân nhiệt.
Quả vối (Mạn kinh tử) có vị đắng, cay, tính hơi hàn có tác dụng thanh lọc máu, điều trị phong nhiệt.
Theo y học hiện đại
Hỗ trợ tiêu hóa: Trong lá vối có chứa Tanin có thể bảo vệ niêm mạc ruột, kháng khuẩn và chống lại các loại vi khuẩn gây hại trong niêm mạc ruột.
Kháng khuẩn: Trong lá và nụ vối có chứa chất kháng sinh thực vật có thể tiêu diệt được nhiều mầm vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis. Thường được ứng dụng để chữa các bệnh viêm da, mụn nhọt, ghẻ lở, chốc lở đầu, viêm đại tràng mãn tính, lỵ trực trùng.
Hỗ trợ đảo ngược các tế bào ung thư: Trong nụ vối có chứa một hợp chất gọi là Polyphenol có thể đảo ngược các tế bào ung thư đa kháng thuốc.
Hỗ trợ điều trị chứng tiểu đường Nụ vối chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường.
Cách dùng:
Lá vối dùng làm trà, hãm nước sôi, uống nóng. Hoa nhỏ thu hái sau đó cũng được dùng pha trà uống. Có thể hãm lá, nụ, hoa vối với lá Bạch đàn, Hoắc hương để hỗ trợ tiêu hóa.
Nước sắc lá vối đặc có tác dụng như kháng sinh, sát trùng để rửa, vệ sinh mụn nhọt, lở loét, ghẻ, chốc lở.
Lá, vỏ, thân, nụ, hoa vối có thể ứng dụng để sắc thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mãn tính, kiết lỵ.
Hoặc bào chế thành dạng siro dùng thoa vào các khớp đau, sưng, đỏ và uống trong để điều trị phong thấp.
Liều lượng: Phụ thuộc vào mục đích sử dụng của người dùng.
Bài thuốc chữa lở ngứa, chốc đầu
Cách thực hiện: Lấy một lượng lá vối vừa đủ nấu nước để tắm, gội đầu và vệ sinh kỹ ở nơi chốc lở, lở ngứa.
Bài thuốc chữa bỏng
Cách thực hiện: Lấy vỏ cây lá vối cạo phần vỏ thô, rửa sạch, để ráo nước mang đi giã nát. Hòa với nước sôi để nguội sau đó lọc lấy phần nước thoa lên chỗ bỏng. Bài thuốc có thể làm tăng tiết dịch, giảm sưng phồng, làm dịu các cơn đau và hạn chế sự phát triển của vi trùng.
Bài thuốc chữa viêm da lở ngứa
Cách thực hiện: Sắc nước lá vối đặc, lấy nước bôi vào vùng viêm da, lở ngứa để điều trị.
Bài thuốc chữa viêm đại tràng
Cách thực hiện: Sử dụng 200g lá vối tươi, vò nát, hãm với 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ, dùng uống thay nước hằng ngày.
Bài thuốc chữa đầy bụng khó tiêu
Cách thực hiện: Dùng 6 – 12 g thân cây vối, sắc lấy nước đặc dùng uống 2 lần trong ngày. Hoặc có thể dùng 10 – 15g nụ vối sắc lấy nước đặc, uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc giảm mỡ máu
Cách thực hiện: Sử dụng 15 – 20g nụ vối, hãm lấy nước, dùng uống như nước trà hoặc có thể nấu thành nước đặc, chia thành 3 lần uống trong ngày. Thường xuyên sử dụng để thấy hiệu quả điều trị.
Bài thuốc chữa bệnh tiêu chảy
Cách thực hiện: Dùng 100g vỏ thân cây vối, vỏ thân cây sung 100g, lá phèn đen 100g, 100 g lá ơi tươi, 50 g hạt vải, 50g vỏ cây đại và 30 g quế mang đi sấy khô, tán thành bột mịn. Đem bột này luyện thành hồ rồi làm thành hoàn bằng hạt đỗ đen. Mỗi lần dùng 12g, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa tiểu đường
Cách thực hiện: Dùng 15 – 20g nụ vối sắc lấy nước, chia thành 3 lần uống trong ngày. Hoặc sử một lượng nụ vối vừa đủ hãm với nước sôi uống thay trà.
Bài thuốc chữa viêm gan vàng da
Cách thực hiện: Sử dụng 200g rễ hoặc thân cây lá vối hãm với nước sôi dùng uống hàng ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị Gout
Cách thực hiện: Nụ vối hoặc lá vối sắc lấy nước uống hàng ngày có thể hỗ trợ tiêu tích, làm tan khoáng chất Uric, từ đó góp phần hỗ trợ điều trị bệnh Gout.
Bài thuốc giúp lợi sữa
Cách thực hiện: Sử dụng nước đun hoặc trà lá vối ngay từ đầu thai kỳ có thể làm tăng chức năng tuyến sữa, tăng cường sức khỏe và đảm bảo thể chất khi sinh con.
Bài thuốc lợi tiểu, giải độc
Cách thực hiện: Dùng lá vối nấu với nước hoặc hãm với nước sôi uống như trà hoặc nước giải khát có thể thanh lọc cơ thể, thanh nhiệt và hỗ trợ đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể.
Bài thuốc giải độc lá ngón
Cách thực hiện: Sử dụng một nắm tươi giã nát, cho thêm một ít nước dùng uống trực tiếp hoặc bơm vào dạ dày để giải độc lá ngón.
Lá vối tươi cho hiệu quả điều trị bệnh cao hơn lá vối phơi khô. Nên sử dụng dược liệu lá vối tươi để pha nước uống hàng ngày.
Không nên dùng lá vối, nụ vối hoặc thân vối để điều trị bệnh cho những người quá gầy, quá yếu ớt, suy nhược cơ thể, người thường hay bệnh vặt.
Không nên uống quá nhiều nước sắc lá vối, mỗi ngày chỉ uống một ấm trà hoặc một ly nước. Không được dùng thay nước lọc, bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá và hệ thống bài tiết.
Không uống nước lá vối lúc đói và không được uống nước vối quá đặc. Nước lá vối có thể kích thích hệ thống tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột. Nước lá vối đậm đặc có thể gây cảm giác mệt mỏi, choáng váng, mất năng lượng,…
Tóm lại, nước lá vối hoặc nụ vối giúp thanh lọc cơ thể và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt, người dùng nên chú ý kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập thể dụng và nên trao đổi với thầy thuốc trước khi sử dụng để nắm rõ tình trạng sức khỏe và có liều lượng sử dụng phù hợp trong hỗ trợ phòng chữa bệnh.
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM
Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur