Lưu ý khi sử dụng kháng sinh Lincosamid

Thứ năm, 16/05/2024 | 16:27

Lincosamid là nhóm thuốc kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn gram dương và vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm như mụn trứng cá, nhiễm trùng vùng khoang miệng và hầu họng. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc này để tránh những tác dụng không mong muốn đáng tiếc xảy ra.

Kháng sinh Lincosamid thuốc gì?

Lincosamid tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn gram dương
Lincosamid tác dụng chủ yếu trên vi khuẩn gram dương

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm - Giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Lincosamide là thuốc kháng sinh có tác dụng kìm khuẩn, tác dụng diệt khuẩn chỉ có ở liều cao trên các chủng vi khuẩn gram dương và vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm thông qua cơ chế tác dụng là ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách ức chế tiểu đơn vị ribosome 50S của vi khuẩn. Vị trí gắn của các kháng sinh nhóm Lincosamide với tiểu đơn vị ribosome 50S của vi khuẩn tương tự như vị trí gắn của nhóm kháng sinh Macrolide. Do đó, thường có sự đề kháng chéo giữa các kháng sinh hai nhóm thuốc này, đặc biệt xảy ra khi cơ chế đề kháng của vi khuẩn là thông qua thay đổi đích tác dụng.

Lincosamide chỉ 3 loại trên thị trường Lincomycin, Clindamycin và Pirlimycin.

 Phổ tác dụng của kháng sinh nhóm Lincosamid

Các kháng sinh nhóm Lincosamide có phổ tác dụng chủ yếu trên các vi khuẩn gram dương và vi khuẩn kỵ khí, trong đó phổ tác dụng của Clindamycin rộng hơn so với phổ tác dụng của Lincomycin. Các kháng sinh nhóm Lincosamide có phổ tác dụng trên tụ cầu bao gồm tụ cầu vàng kháng Methicillin trong cộng đồng, liên cầu (Streptococcus) nhóm A và B, phế cầu (Streptococcus pneumoniae) và hầu hết vi khuẩn kị khí (trừ Clostridium difficile). Clindamycin cũng có phổ trên Chlamydia trachomatis.

Thuốc kháng sinh Lincosamid được sử dụng cho những trường hợp nào?

Thuốc Lincosamid được sử dụng cho các trường hợp nhiễm vi khuẩn nhạy cảm như:

  • Mụn trứng cá.
  • Nhiễm trùng vùng khoang miệng và hầu họng.
  • Bệnh viêm vùng chậu.
  • Viêm màng ối.
  • Dự phòng phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng âm đạo.
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc
  • Nhiễm Toxoplasma thần kinh trung ương.
  • Viêm âm đạo do Gardnerella, nhiễm trùng Pneumocystis jiroveci (trước đây là Pneumocystiscarinii).
  • Bệnh Sarcoidosis (chỉ định mồ côi của Clindamycin)

Lưu ý sử dụng đúng cách các thuốc kháng sinh Lincosamid?

Sử dụng thuốc nhóm Lincosamid theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ điều trị, đúng liều lượng và đúng thời gian quy định, không tự ý tăng liều, giảm liều hoặc ngừng giữa liệu trình kể cả khi bệnh có dấu hiệu phục hồi.

Nếu người bệnh quên một liều thuốc, hãy dùng ngay khi nhớ ra. Nếu gần với liều kế tiếp, người bệnh nên bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo vào đúng thời điểm như như kế hoạch. Không nên dùng liều gấp đôi đã quy định.

Các thuốc nhóm Lincosamid có thể gây viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile nguy hiểm. Người bệnh nên ngừng ngay các thuốc kháng sinh hiện đang dùng khi gặp phải tình trạng này. Có thể thay vào đó sử dụng Metronidazole, Vancomycin (đường uống) hoặc Fidaxomicin. Đồng thời bù nước và điện giải. Ngừng sử dụng các thuốc nhóm Lincosamid nếu tiêu chảy dai dẳng.

Lưu ý một số chế phẩm nhóm Lincosamid dạng tiêm có chứa alcol benzylic, có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh.

Lưu ý người bệnh bị suy giảm chức năng gan, thận: Có thể dùng nhưng cần giảm liều thuốc.

Đối với phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, chỉ sử dụng thuốc nhóm Lincosamid khi thật sự cần thiết. Do các dữ liệu về sử dụng thuốc Lincosamid trên các đối tượng các đối tượng này còn chưa đầy đủ.

Lincosamid được sử dụng cho người bệnh với sự chỉ định của bác sĩ
Lincosamid được sử dụng cho người bệnh với sự chỉ định của bác sĩ

Chống chỉ định và thận trọng cần lưu ý của thuốc kháng sinh Lincosamid?

Người bệnh có tiền sử phản ứng dị ứng với các kháng sinh Lincosamid hay với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Những tác dụng phụ cần lưu ý của thuốc kháng sinh Lincosamid?

Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Kháng sinh Lincosamid có liên quan đến tỷ lệ mắc viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile cao hơn so với các kháng sinh khác. Nên nhóm thuốc này hạn chế sử dụng trên lâm sàng.

Dị ứng: Phát ban da, mày đay, ngứa, hồng ban đa dạng, viêm da tróc vảy, phù mạch, phản ứng phản vệ, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson.

Tổn thương gan: Vàng da, tăng bilirubin, AST và phosphatase kiềm.

Rối loạn trên hệ tạo máu: Tăng bạch cầu ái toan, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu bất sản.

Tổn thương thận: Có protein niệu, tăng ure máu, thiểu niệu, suy thận.

Bội nhiễm nấm.

Viêm tắc tĩnh mạch (thường do dùng thuốc đường tĩnh mạch), áp xe vô trùng (thường do dùng thuốc đường tiêm bắp).

Ù tai, chóng mặt.

Những tương tác thuốc cần lưu ý của thuốc kháng sinh Lincosamid?

Phối hợp với các thuốc giãn cơ nhóm cura (Rocuronium, Atracurium, Cisatracurium, Pancuronium, Rapacuronium,  Vecuronium): Các thuốc nhóm Lincosamide làm tăng cường tác dụng giãn cơ của các thuốc này. Tránh phối hợp.

Một số vaccin: Các Lincosamide làm giảm tác dụng của một số vaccin BCG sống, vaccin thương hàn sống và vaccin tả. Tránh phối hợp.

Thuốc tránh thai đường uống: Các kháng sinh Lincosamide tiêu diệt một phần hệ vi khuẩn đường ruột, làm giảm tái hấp thu thuốc theo chu kỳ ruột – gan. Do đó làm giảm tác dụng của các thuốc tránh thai này, gây ra có thai ngoài ý muốn.

Tóm lại, Lincosamid là nhóm kháng sinh kìm khuẩn thường được chỉ định sử dụng phổ biến trên lâm sàng, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả trong điều trị.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Clofibrate-Thuốc điều trị rối loạn lipid máu và những lưu ý khi sử dụng

Clofibrate-Thuốc điều trị rối loạn lipid máu và những lưu ý khi sử dụng

Clofibrate là thuốc được các chuyên gia y tế chỉ định điều trị các tình trạng rối loạn lipid máu, tăng nồng độ triglycerid huyết thanh rất cao, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm nguy cơ các biến chứng của tăng lipid máu.
Nhiễm ký sinh trùng đường ruột : Những hông tin cần biết

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột : Những hông tin cần biết

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột là vấn đề phổ biến, nhất là ở những người có thói quen ăn uống không lành mạnh hoặc hệ tiêu hóa kém. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Làm thế nào để ngăn ngừa viêm dạ dày tá tràng?

Làm thế nào để ngăn ngừa viêm dạ dày tá tràng?

Viêm dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan và chỉ khám khi bệnh đã nặng. Dưới đây là hướng dẫn ngắn gọn về cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Lorazepam - Thuốc điều trị rối loạn lo âu và những lưu ý khi sử dụng

Lorazepam - Thuốc điều trị rối loạn lo âu và những lưu ý khi sử dụng

Lorazepam là thuốc được sử dụng điều trị các chứng lo âu, rối loạn co giật, động kinh, mất ngủ, hỗ trợ các thuốc chống buồn nôn liên quan đến hóa trị ung thư.
Đăng ký trực tuyến