Rùa, loài động vật quen thuộc và phổ biến trên khắp nước ta, đã từ lâu được biết đến không chỉ là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng mà còn là một vị thuốc quý giá trong y học dân gian. với tên gọi là Quy bản
Rùa, loài động vật quen thuộc và phổ biến trên khắp nước ta, đã từ lâu được biết đến không chỉ là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng mà còn là một vị thuốc quý giá trong y học dân gian. với tên gọi là Quy bản
Bài viết sau của Giảng viên trường Cao đẳng y dược Pasteur sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu về Quy bản
Tên gọi khác: Quy giáp, Kim quy, Mai rùa, Yếm rùa, Cao yếm rùa…
Tên khoa học: Carapax Testudinis - Testudinidae ( Họ rùa ).
Rùa là loài động vật quen thuộc có tuổi thọ cao
1.1. Mô tả Đôi nét về loài Rùa
Rùa, một loài động vật thường sống dưới nước, có khả năng tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau như nước ngọt, nước lợ, và nước mặn. Rùa có 4 chân, đuôi ngắn, và khi đối mặt với nguy hiểm, chúng có thể rút đầu, chân và đuôi vào bên trong vỏ, gồm mu (lưng) và yếm (bụng). Vỏ rùa rất cứng và chúng thường ăn cá con hoặc sâu bọ. Một đặc điểm độc đáo là khả năng chịu đói lâu đối với rùa, chúng có thể nhịn ăn trong thời gian dài mà không gặp vấn đề sức khỏe. Loài rùa cũng nổi tiếng với tuổi thọ ấn tượng, trung bình có thể sống hơn 100 năm.
Loài rùa thường được chia thành 2 loại chính:
Sơn quy: Đây là loại rùa sống ở môi trường núi đồi. Sơn quy có nhiều loại khác nhau, với một số đặc điểm phân biệt. Thứ rùa quý nhất được gọi là "Kim quy" hoặc "Kim tiền quy," có yếm nằm ở giữa vỏ với hình dáng chữ vuông chéo, mỏng, và có màu vàng đậm. Có một hạng vừa hơn, yếm dày và có màu vàng nhạt, trong khi những thứ có màu đen thường không được sử dụng trong việc làm thuốc..
Thủy quy: Đây là loại rùa sống ở môi trường nước. Thường thì thủy quy có yếm hình hoa, đặc và không phù hợp cho mục đích làm thuốc. Nếu sử dụng yếm rùa để sản xuất cao, thì thường chọn những thứ yếm mỏng và màng bọc bên ngoài. Những miếng yếm còn dính vào nhau được xem là tốt, trong khi những thứ yếm vụn nát, mất màng hoặc lẫn lộn với yếm rùa khác được coi là kém chất lượng..
1.2. Phân bố và thu hoạch
Rùa có phạm vi phân bố rộng rãi trên toàn thế giới, từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và nhiều nơi khác. Chúng có thể tìm thấy sống ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm biển, ao hồ và các vùng nước ngọt. Tuy nhiên, rùa tập trung nhiều nhất ở các khu vực như Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở Việt Nam, rùa thường sống nhiều ở các tỉnh có nhiều ao hồ.
Quá trình thu hoạch rùa có thể diễn ra quanh năm, nhưng thường tập trung vào mùa thu và mùa đông (từ tháng 8 đến tháng 12).
Sau khi bắt được rùa, quá trình sơ chế thường bao gồm 2 phương pháp chính.
1. Huyết Bản: Sau khi bắt rùa, người ta tách lấy phần mai và yếm, loại bỏ thịt còn sót lại, sau đó đem phơi khô. Phần thu được gọi là huyết bản. Huyết bản thường có bề mặt bóng láng, không bóc da, và có thể còn vết máu.
2. Thông Bản: Sau khi bắt rùa về, rùa thường được luộc qua. Sau đó, người ta tách lấy phần mai và yếm, cạo sạch thịt còn sót lại, và sau đó đem phơi khô. Loại này được gọi là thông bản. Thông bản thường có màu sẫm hơn, da có thể bị lóc. Mặt trong của thông bản có màu trắng tro hoặc màu vàng nhạt, và không có bề mặt bóng.
2. Bộ phận dùng làm thuốc và cách bào chế:
Bộ phận của rùa được sử dụng để làm thuốc gọi là Quy bản.
Quy bản bao gồm hai phần chính: mai và yếm rùa.
Mai rùa có hình dạng bầu dục hẹp, với đầu phía trước hơi hẹp hơn phía sau. Mặt ngoài của mai thường màu nâu hoặc nâu đen, có khối sừng ở đầu phía trước và khối sừng đốt trung tâm trên sống lưng. Hai bên của mai có 4 khối sừng sườn, cạnh bên ngoài có 11 khối sừng rìa. Phần đuôi của mai có 2 khối sừng mông.
Yếm rùa có dạng phiến hình bầu dục hoặc chữ nhật, mặt ngoài thường màu nâu vàng nhạt đến nâu với 12 tấm khối sừng, mỗi tấm có vân dạng tia sạ. Mặt trong thường màu trắng vàng đến trắng tro, có vết máu hoặc thịt còn sót lại.
Sau khi cạo, làm sạch yếm rùa, thường có 9 khối xương dẹt ở phía trong, mép nối các tấm có răng cưa khớp vào nhau. Phần đầu hình tròn tù hoặc bằng, phần đuôi có 1 khía hình tam giác. Yếm rùa có chất cứng, rắn, mùi hơi tanh, và vị hơi mặn.
Để làm cao từ yếm rùa, thường chọn rùa có yếm mỏng và màng bọc bên ngoài. Các miếng yếm dính vào nhau được xem là tốt, trong khi loại yếm rùa có màu đen, bị vụn nát, mất màng hoặc lẫn lộn với yếm rùa khác được coi là xấu.
Cách bào chế dược liệu bao gồm các bước sau:
- Làm sạch yếm: Yếm rùa được ngâm trong nước để gân thịt còn sót lại rữa ra, sau đó được cạo cho tróc hết. đun chín để loại thịt cho dễ. Rồi sau đó rửa sạch để loại bỏ hết mùi.
- Phơi khô: Yếm rùa sau khi được làm sạch và rửa sạch được phơi khô.
- Đun và lọc: Yếm rùa được đun với nước trong 3 ngày 3 đêm, sau đó nước được lọc để loại bỏ bã
- Đổ vào khuôn: Nước lọc được cô đặc và đổ vào khuôn, sau đó để nguội và cắt thành từng miếng to nhỏ theo ý.
Nấu cao Quy bản giống như cách nấu cao từ Ban long, thường cô đặc ở 80°C trên cát dày từ 5 - 10cm và cần khuấy đều.
Thuốc phiến Quy bản được làm bằng cách rửa sạch yếm rùa bằng nước sôi, sau đó phơi hoặc sấy khô. Loại này sau đó được nướng tồn tính, nhúng vào giấm, tán dập và nghiền thành bột.
Quy bản vị thuốc bổ Thận âm rất tốt
*Bảo quản vị thuốc
Miếng cao cần được bảo quản trong giấy bóng kính và đặt vào thùng kín, với lớp vôi sống dưới đáy để hút ẩm.
Cao lỏng nên đóng trong chai hoặc lọ sạch, với nút kín.
Thuốc phiến cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
3. Thành phần hóa học
Quy bản chứa chất keo, chất béo và muối canxi.
Các hoạt chất khác chưa rõ ràng (theo Trung Dược Học).
Theo Thomas, thuốc chứa các axit amin như glycocole, alanin, leuxin, tyrosin, xystin, axit glutamic, histidin, lysin, acginin, với không có tryptophan (theo Bio Ilinlie. 783).
4. Tác dụng - Công dụng
* Theo Y học hiện đại
Tác dụng nâng ngưỡng đau: Các thử nghiệm trên chuột cống gây mô hình âm hư thể cường giáp cho thấy rằng quy bản giảm độ dính của huyết tương (Trung Dược Học).
Tác dụng điều chỉnh 2 chiều hiệu suất tổng hợp DNA (Trung Dược Học).
* Theo Y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, Quy bản được xem có vị ngọt, mặn và tính hàn.
Được quy vào kinh Tâm, Can, Thận, Tỳ.
Công dụng của dược liệu này bao gồm bổ tâm, bổ thận, điều dưỡng huyết và tăng sức mạnh gân xương, cũng như dưỡng âm.
Dùng để chữa trị:
- Chứng âm hư nóng âm ỉ trong xương, cơ thể suy nhược, lao nhiệt,
- Đau nhức ở chân, tay, lưng, hoặc gối.
- Tình trạng ho kéo dài, di tinh, khí hư, bệnh phụ nữ bạch đới, và bất thường về kinh nguyệt.
*Cách dùng và liều dùng
Cách dùng: Phụ thuộc vào mục đích sử dụng và có thể được kết hợp với các loại thuốc khác.
Liều dùng: 12 - 24g, có thể dùng quy bản dưới dạng thuốc sắc, viên, hoặc bột.
Nếu dùng dưới dạng thuốc sắc, nên sắc trước khi thêm các thành phần khác.
Cao Quy bản: Ngày dùng 10 - 15g, chia thành 3 lần dùng.
Có thể dùng Vị thuốc dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, cao chiết…
5. Một số bài thuốc kinh nghiệm
5.1. Chữa trị phụ nữ kinh nguyệt ra quá nhiều, kéo dài, rong kinh
Bài 1: Quy bản (tẩm giấm nướng hoặc cao), Hoàng bá.Hoàng cầm, Bạch thược, Thung căn bì,
Tán bột, trộn với mật làm viên, uống với nước giấm pha nhạt (Quy Bản Hoàn – Thẩm Thị Tôn Sinh Thư).
Bài 2: Quy bản, Hoàng cầm, Bạch thược mỗi vị 40g, Hoàng bá 12g, Chế hương phụ 10g.
Tán bột, làm viên. uống 10 – 15g/lần, ngày 3 lần (Cố Kinh Hoàn – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
5.2. Chữa trị nóng trong xương, lao nhiệt, sốt về chiều, mồ hôi trộm
Quy bản đều 24g, Hoàng bá, Thục địa, Tri mẫu mỗi vị 16g,
Tán bột. Thêm tủy xương heo và mật làm thành viên
Uống 8 – 12g/lần, 2 lần/ngày với nước Gừng hoặc nước muối nhạt, lúc đói (Đại Bổ Âm Hoàn – Đan Khê Tâm Pháp).
5.3. Đơn thuốc bổ chữa bệnh ho lâu ngày
Quy bản sao cát cho giòn, tán nhỏ và Đảng sâm mỗi vị 100g sao thơm tán nhỏ.
Đem 2 vị trộn đều, uống 3 lần /ngày và mỗi 1 – 2g/lần.
5.4. Chữa trị suy nhược thần kinh
Quy bản, Đương quy, Bạch thược và Sài hồ mỗi vị 12g, Gừng tươi 3 lát, Bạch linh và Bạch truật mỗi vị 10g, Cam thảo 4g và Bạc hà 8g. Sắc uống.
5.5. Chữa trị di tinh, mộng tinh
Cao Quy bản 10g, Phá cố chỉ 8g (sao với rượu), Thỏ ty tử 8g (sao), Rau má 8g, vỏ rễ cây Đơn đỏ 6g, Khiếm thực 6g (sao) Thục địa 16g, Hoài sơn 12g,.
Lấy cao Quy bản hơ nóng cho chảy, Thục địa giã nhuyễn. Các dược liệu khác phơi khô, tán nhỏ rồi trộn đều với 2 vị trên. Sau đó, cho mật ong vừa đủ để làm thành viên 2g.uống 10 viên/ngày, chia 2 lần.
5.6. Chữa trị sốt rét lâu ngày:
Quy bản 200g, sao vàng dòn tán nhỏ, hùng hoàng (AS2S2) 50g tán nhỏ, hà thủ ô 200g. Trộn đều thêm mật ong làm thành viên 0,30g. Ngày uống 5-10g chia 3 lần.
5.7. Chữa trị đau nhức xương ở người cao tuổi:
Quy bản (đập vụn sao vàng) 20g, địa cốt bì , đương quy, ngưu tất mỗi vị 12g, đinh lăng, trinh nữ ,ngũ gia bì mỗi vị 16g, khởi tử 12g, cát căn 16g, khổ qua 20g, ngải diệp 12g, đại táo 12g, cam thảo 12g, hạt muồng (sao vàng) 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
5.8. Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em:
Nguyên liệu: Quy bản 80g, hoài sơn 80g, liên nhục 80g, bạch biển đậu 70g, trần bì 20g.
Hướng dẫn: Các nguyên liệu (trừ quả chuối) sau khi sao giòn tán mịn. Quả chuối xanh luộc chín, bóc vỏ (50g). Các nguyên liệu sao giòn tán mịn và trộn đều. Sau đó, thêm mật ong vừa đủ để tạo thành viên bằng hạt ngô, phơi hoặc sấy khô. Đựng vào lọ và sử dụng dần. Ngày ăn 10-15 viên, chia thành 2-3 lần.
5.9. Chữa trị bệnh đới hạ (thể thấp nhiệt):
Công thức: Quy bản (đập nhỏ sao giòn) 20g, rễ cây bạch đồng nữ thái mỏng sao vàng 20g, mẫu lệ chế 16g, đương quy 16g, bạch truật 16g, sâm báo 16g, sâm hành (sao) 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, ngân hoa 12g, diệp hạ châu 16g, ích mẫu 16g, nam hoàng bá 16g, cam thảo 12g.
Hướng dẫn: Sắc uống ngày 1 tháng. Công dụng: thanh nhiệt, chỉ đới dưỡng tâm điều trung.
6. Lưu ý khi sử dụng
Không nên dùng quy bản cho người bị hàn thấp, tỳ vị hư hàn, ví dụ như người có triệu chứng tay chân lạnh, lạnh bụng, tiêu lỏng, ăn uống không tiêu, suy nhược.
Phụ nữ mang thai không nên sử dụng quy bản.
Quy bản là một vị thuốc cổ truyền có nhiều tác dụng quý, được sử dụng từ rất lâu trong dân gian Tuy nhiên, việc sử dụng nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sức khỏe./.
DsCKI. Nguyễn Quốc Trung