Verapamil -Thuốc điều trị tăng huyết áp và những lưu ý khi sử dụng

Thứ hai, 01/07/2024 | 16:07

Verapamil thuốc được các chuyên gia y tế chỉ định điều trị tăng huyết áp , đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực Prinzmetal, đau thắt ngực không ổn định và nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Verapamil là thuốc gì?

 Verapamil là thuốc điều trị tăng huyết áp
 Verapamil là thuốc điều trị tăng huyết áp

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm - Giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Verapamil là thuốc chẹn kênh calci, có tác dụng hạ huyết áp bằng cách ngăn cản dòng Ca2+ đi qua kênh, chậm vào tế bào thần kinh dẫn truyền và tế bào cơ tim và chậm vào tế bào cơ trơn thành mạch, dẫn đến làm giãn mạch ngoại vi, giảm sức cản ngoại vi, như vậy làm giảm hậu gánh và giảm huyết áp.

Verapamil có tác dụng chống loạn nhịp tim trên thất. Verapamil làm giảm dẫn truyền qua nút nhĩ thất, do đó làm chậm tốc độ đáp ứng nhịp thất nhanh ở bệnh nhân rung nhĩ và cuồng động nhĩ, kết quả kéo dài dẫn truyền xung động trong nút nhĩ thất và do đó có tác dụng chống loạn nhịp.

Verapamil có tác dụng chống đau thắt ngực do thuốc làm giãn mạch vành và mạch ngoại vi. Sự giảm sức kháng động mạch ngoại vi làm giảm tiêu thụ oxy ở tế bào cơ tim, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành và ngăn cản co thắt động mạch vành.

Dạng thuốc và hàm lượng của Verapamil?

Verapamil được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc và hàm lượng là

Viên nén bao phim: 40 mg, 80 mg, 120 mg.

Viên phóng thích kéo dài: 120 mg, 180 mg, 240 mg.

Dung dịch tiêm: Ống 5 mg/2 ml; Ống 10 mg/4 ml; Lọ 5 mg/2 ml; Lọ 20 mg/4ml.

Thuốc Verapamil được chỉ định cho những trường hợp nào?

Verapamil được chỉ định dùng cho các trường hợp sau:

  • Điều trị tăng huyết áp.
  • Cơn đau thắt ngực ổn định
  • Đau thắt ngực không ổn định
  • Điều trị cơn đau Prinzmetal.
  • Điều trị. Và dự phòng nhịp tim nhanh kịch phát trên thất.
  • Điều trị và dự phòng nhồi máu cơ tim thứ phát vơi người bệnh chống chỉ định hoặc không dung nạp với thuốc chẹn beta-adrenergic mà không có suy tim.

Cách dùng - Liều lượng của Verapamil?

Cách dùng:

Verapamil có thể dùng đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch theo khuyến cáo của dạng bào chế trên nhãn của nhà sản xuất.

Liều dùng:

Tuỳ theo độ tuổi, tình trạng diễn biến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng và thời gian điều trị để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu.

Cách xử lý nếu quên liều thuốc Verapamil?

Nếu người bệnh quên một liều Verapamil nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm theo trong kế hoạch điều trị.   

Cách xử lý nếu dùng quá liều thuốc Verapamil?

Khi dùng quá liều Verapamil có triệu chứng lâm sàng như: Hạ huyết áp, sốc, mất ý thức, nhịp thoát, vô tâm thu, nhịp chậm kèm blốc nhĩ thất mức độ nặng hơn, blốc nhĩ thất độ 1 và độ 2, blốc toàn bộ nhĩ thất với nhĩ thất phân ly, ngừng xoang, choáng và nhiễm toan chuyển hóa, tăng đường huyết, có thể tử vong.

Khi quá liều verapamil dạng giải phóng kéo dài, cần lưu ý rằng quá trình giải phóng thuốc từ dạng bào chế và quá trình hấp thu ở ruột non có thể mất tới hơn 48 giờ, các triệu chứng lâm sàng xảy ra muộn. Cần theo dõi biểu hiện người bệnh chặt chẽ.

Xử trí quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện triệu chứng bất thường nào do quá liều, cần phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị triệu chứng. Gây nôn, rửa dạ dày và ruột non theo hướng dẫn phát đồ của bệnh viện. Các biện pháp hồi sức tích cực thông thường được áp dụng: xoa bóp tim ngoài lồng ngực, khử rung tim và/hoặc đặt máy tạo nhịp. Cần thường xuyên theo dõi chức năng của tim, hô hấp và huyết áp.

Những chống chỉ định, thận trọng khi sử dụng thuốc Verapamil?

Verapamil chống chỉ định cho những trường hợp sau

Người có tiền sử mẫn cảm với Verapamil hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Phụ nữ có thai.

Phụ nữ cho con bú.

Rối loạn dẫn truyền nặng: Blốc nhĩ thất độ 2, blốc nhĩ thất độ 3, blốc xoang nhĩ, hội chứng suy nút xoang.

Nhịp chậm (dưới 50 nhịp/phút).

Suy tim mất bù.

Hạ huyết áp.

Sốc tim.

Nhịp nhanh do rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ trong Hội chứng Wolff- Parkinson-White.

Nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng: hạ huyết áp nhiều, nhịp tim chậm, suy giảm chức năng thất trái.

Phối hợp với thuốc chẹn beta ở người bệnh có giảm chức năng thất trái.

Uống cùng nước ép Bưởi chùm.

Phối hợp với ivabradin.

Bệnh porphyria.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Verapamil cho những trường hợp sau

Thận trọng khi dùng Verapamil để điều trị loạn nhịp tim ở trẻ em vì trẻ có thể nhạy cảm hơn với tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Không nên ngừng sử dụng Verapamil đột ngột. Vì có thể làm cơn đau thắt ngực tiến triển nặng hơn.

Chưa có nghiên cứu về dùng thuốc Verapamil trong thời kỳ mang thai, không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai.

Verapamil được bài tiết vào sữa mẹ, không dùng thuốc cho phụ đang cho con bú.

Lưu ý trong giai đoạn đầu điều trị, hoặc khi tăng liều hoặc khi dùng chung với rượu, có thể làm suy giảm khả năng làm việc trong điều kiện tỉnh táo của người bệnh.

Lưu ý thận trọng với người đang lái tàu, lái xe hay đang vận hành máy móc. vì thuốc Verapamil có thể gây ra tác dụng không mong muốn như choáng váng do hạ huyết áp, chóng mặt.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng Verapamil
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng Verapamil

Thuốc Verapamil gây ra các tác dụng phụ nào?

Thường gặp: Đau đầu, táo bón, tăng sản lợi, phù ngoại biên, hạ huyết áp, suy tim, phù phổi, blốc nhĩ thất, nhịp tim chậm (< 50 lần/phút), đỏ bừng, mệt mỏi, chóng mặt, thờ ơ, đau, rối loạn giấc ngủ, ban da, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ, dị cảm, khó thở, các triệu chứng giống cúm.

Ít gặp

Đường uống: Rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, lú lẫn, đổ mồ hôi, ngất, ù tai, tiểu nhiều, mày đay, yếu, khô miệng, nữ hóa tuyến vú, dày sừng, bất lực, các bất thường trên điện tâm đồ, rối loạn thăng bằng, hồng ban đa dạng, khó chịu vùng bụng, rụng tóc, đau thắt ngực, mờ mắt, bầm tím, chuột rút, đánh trống ngực, rối loạn tâm thần, ban xuất huyết, run, buồn ngủ, hội chứng Stevens-Johnson, nhĩ thất phân ly, tai biến mạch máu não, đau cách hồi, triệu chứng ngoại tháp, hội chứng cường prolactin, nhồi máu cơ tim.

Đường tĩnh mạch: Mỏi cơ, suy hô hấp, động kinh, buồn ngủ, mày đay, chóng mặt, co thắt đường thở, toát mồ hôi, đau tại vị trí tiêm truyền.

Các triệu chứng khác: vô tâm thu, thay đổi màu tóc, tắc ruột do liệt ruột, hội chứng Parkinson, hoạt động điện vô mạch, sốc, rung thất, viêm da tróc vẩy, tắc nghẽn đường tiêu hóa, tăng bạch cầu ái toan, triệu chứng ngoại tháp.

Tóm lại, trong quá trình sử dụng thuốc Verapamil, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do sử dụng thuốc Verapamil, phải ngừng thuốc ngay và tham khảo ý kiến hướng dẫn của dược sĩ hoặc của bác sĩ điều trị để xử trí kịp thời.

Verapamil tương tác với các thuốc nào?

Fecainamid: Dùng đồng thời với verapamil, gây sốc tim và vô tâm thu.

Quinidin: Dùng đồng thời với verapamil, làm tăng nồng độ Quinidin trong máu, gây hạ huyết áp

Ceftriaxone, Clindamycin: Dùng đồng thời với verapamil, độc tính cấp của Verapamil đã xảy ra.

Rifampicin: Dùng đồng thời với verapamil, làm giảm nồng độ Verapamil trong máu.

Thuốc chẹn beta: Dùng đồng thời với Verapamil đường uống, làm tăng giảm hoạt động của tim, cần thận trọng khi phối hợp.

Propranolol, Metoprolol: Dùng đồng thời với verapamil, làm tăng nồng độ Propranolol, Metoprolol trong máu.

Các digitalis: Dùng đồng thời với verapamil240mg sau 2 - 3 tuần, nồng độ ổn định của Digitoxin tăng lên khoảng 35%.

Phenobarbital, Phenytoin: Dùng đồng thời với verapamil, làm giảm tác dụng của verapamil

Carbamazepin: Dùng đồng thời với verapamil, ức chế chuyển hóa Carbamazepin, làm tăng nồng độ Carbamazepin tự do trong huyết tương, tăng độc tính của Carbamazepin.

Các benzodiazepin: Dùng đồng thời với verapamil, làm nồng độ Midazolam trong huyết tương tăng lên gấp đôi và kéo dài thời gian bán thải khi dùng đồng thời với Diltiazem hoặc Verapamil.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tác dụng phụ tăng trầm trọng hơn. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng hoặc thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang dùng, giúp kê đơn sử dụng thuốc môt cách an toàn và đạt hiệu quả.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Thuốc trị viêm mũi dị ứng và những điều cần chú ý

Thuốc trị viêm mũi dị ứng và những điều cần chú ý

Viêm mũi dị ứng là tình trạng phổ biến, thường xảy ra vào khi giao mùa, với triệu chứng như nghẹt mũi và hắt hơi. Mặc dù không nguy hiểm, bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về thuốc trị viêm mũi dị ứng.
Itranstad - Thuốc điều trị nấm candida và những lưu ý khi sử dụng

Itranstad - Thuốc điều trị nấm candida và những lưu ý khi sử dụng

Itranstad là thuốc được sử dụng điều trị các bệnh nấm móng chân, nấm móng tay, nấm ở da chân, da ở kẽ tay, da ở thân hay ở bẹn gây ra bởi Microsporum spp., Trichophyton spp., Epidermophyton floccosum.
Irsatim® 150: Thuốc hạ huyết áp và những lưu ý khi sử dụng

Irsatim® 150: Thuốc hạ huyết áp và những lưu ý khi sử dụng

Irsatim® 150 là thuốc được chuyên gia y tế sử dụng điều trị tăng huyết áp, điều trị bệnh thận do đái tháo đường tuýp 2 ở những người bệnh bị huyết áp cao và những lưu ý các tác dụng không mong muốn có thể gây ra khi sử dụng.
Người bị đau dạ dày nên ăn gì?

Người bị đau dạ dày nên ăn gì?

Việc lựa chọn thực phẩm không chỉ giúp làm dịu niêm mạc dạ dày mà còn ngăn ngừa tình trạng tái phát và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi những tổn thương. Vậy người đau dạ dày nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe?
Đăng ký trực tuyến