Nhiễm trùng hô hấp : Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:56
Nhiễm trùng hô hấp xảy ra khi hệ hô hấp bị tấn công bởi vi khuẩn hoặc virus, ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu không được nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách có thể khiến triệu chứng nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày.
Nhiễm trùng hô hấp xảy ra khi cơ thể bị tấn công bởi vi khuẩn hoặc virus
Tổng quan về bệnh nhiễm trùng hô hấp
Theo Cô Lê Anh Đào - Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, hệ hô hấp được chia thành hai khu vực chính: đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Nhiễm trùng hô hấp có thể xảy ra ở một trong hai hoặc cả hai khu vực này:
Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Gồm các bệnh như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, cảm lạnh, cảm cúm và viêm tai giữa.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Bao gồm viêm phế quản, viêm khí quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh về đường hô hấp là ho, sốt, sổ mũi, đau họng, đau đầu, nghẹt mũi, hắt hơi, và đau nhức vùng mặt. Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp trên thường nhẹ, ít nguy hiểm và không kéo dài. Ngược lại, nhiễm trùng đường hô hấp dưới có triệu chứng nghiêm trọng hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp thường bắt nguồn từ nhiều tác nhân khác nhau, trong đó phổ biến gồm:
Virus Adeno: Gồm hơn 50 chủng loại, đây là virus thường gây các bệnh về đường hô hấp trên và dưới. Tuy không tạo ra triệu chứng nguy hiểm, virus Adeno có khả năng lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác.
Khuẩn phế cầu: Là tác nhân chính gây viêm phổi, vi khuẩn này nhanh chóng tấn công cơ quan hô hấp, gây nhiễm trùng. Đặc biệt, nhiễm khuẩn phế cầu có thể dẫn đến viêm màng não, làm tăng mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe.
Virus Rhino: Là nguyên nhân phổ biến gây cảm lạnh và các vấn đề hô hấp khác. Dù triệu chứng thường nhẹ, bệnh có thể trở nặng nếu người bệnh không nghỉ ngơi và tăng cường sức đề kháng kịp thời.
Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch kém, như trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính, bệnh tim, phổi, hoặc chịu tác dụng phụ từ thuốc, thường dễ mắc các bệnh hô hấp. Khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh, nguy cơ nhiễm trùng hô hấp của nhóm đối tượng này càng tăng cao.
Nhiễm trùng hô hấp có những dấu hiệu gì?
Các dấu hiệu của nhiễm trùng hô hấp
Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung - Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm trùng đường hô hấp:
Chảy dịch mũi: Ở giai đoạn đầu, dịch mũi thường trong và loãng, giảm dần khi hệ hô hấp hồi phục. Trường hợp nhiễm khuẩn, dịch trở nên đặc hơn, có mủ, gây nghẹt mũi và chảy xuống họng, dẫn đến viêm và rát họng.
Ho: Người bệnh thường ngứa rát họng, đặc biệt vào buổi sáng, sau đó xuất hiện các cơn ho khan hoặc ho có đờm.
Sốt: Nhiễm trùng hô hấp có thể gây sốt cao 39-40°C, đặc biệt ở trẻ em hoặc người có bệnh nền. Sốt nặng có thể kèm theo phát ban, viêm kết mạc, hoặc mất nước.
Rối loạn tiêu hóa: Trẻ nhỏ thường có dấu hiệu chán ăn, nôn mửa, hoặc rối loạn đại tiện khi mắc bệnh.
Khó thở và đau họng: Bệnh nhân nhiễm đường hô hấp dưới có thể khó thở khi bệnh trở nặng. Niêm mạc họng bị tổn thương bởi vi khuẩn hoặc virus, gây ngứa rát, khàn tiếng, khó nuốt, và đau họng.
Cách phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp
Vì nhiễm trùng hô hấp khá phổ biến, nhiều người thường chủ quan và không điều trị triệt để. Tuy nhiên, bệnh này có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Để ngăn ngừa viêm nhiễm, cần lưu ý một số điểm sau:
Giữ ấm cơ thể: Thời tiết Việt Nam thay đổi nhanh chóng từ nóng sang lạnh, nên việc giữ ấm cơ thể bằng quần áo, khăn quàng, mũ, tất và khẩu trang là rất quan trọng để bảo vệ hệ hô hấp.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ ăn uống đầy đủ chất và giàu vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống tác nhân gây bệnh.
Vệ sinh mũi họng sạch sẽ: Vi khuẩn và virus dễ xâm nhập nếu mũi họng không được vệ sinh kỹ càng. Sử dụng nước muối sinh lý, đánh răng thường xuyên và uống đủ nước giúp ngăn ngừa các bệnh hô hấp hiệu quả.
Hạn chế tiếp xúc với vùng bệnh: Nhiễm trùng đường hô hấp có thể lây lan qua tiếp xúc gần, vì vậy bạn nên tránh tiếp xúc với người đang có triệu chứng bệnh. Khi tiếp xúc với người bệnh, hãy đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và theo dõi sức khỏe của mình.
Nhiễm trùng hô hấp mặc dù không quá nguy hiểm nhưng không nên chủ quan. Khi triệu chứng xuất hiện nhiều và cơ thể mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi, hạn chế ra ngoài và làm việc quá sức. Đặc biệt, nên thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ thay vì tự ý sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định.
Trị mụn bằng nước muối sinh lý là phương pháp đơn giản, được nhiều người ưa chuộng nhờ khả năng làm sạch và cân bằng pH cho da. Nhưng liệu nước muối có thực sự hiệu quả trong việc trị mụn? Cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Những mụn nước rộp chứa dịch ở môi không chỉ gây khó chịu như đau rát, ngứa ngáy mà còn có thể lây lan nếu không được xử lý đúng cách. Vậy khi bị nổi mụn nước ở môi nên bôi thuốc gì để nhanh khỏi?
Các bệnh lý giác mạc thường gặp không quá khó điều trị, nhưng nếu chậm trễ trong phát hiện và can thiệp, chúng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Một số trường hợp có thể dẫn đến mù lòa hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Sốt siêu vi là bệnh lý thường gặp, đặc biệt vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường. Vậy nên uống thuốc gì để nhanh khỏi, chăm sóc người bệnh ra sao và làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả?