Các loại thuốc điều trị đau nửa đầu và cách sử dụng hiệu quả
Thứ ba, 25/02/2025 | 09:46
Sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến được nhiều người lựa chọn khi gặp triệu chứng đau đầu Migraine – tình trạng đau một bên đầu thường gặp. Dưới đây là thông tin chi tiết về các loại thuốc điều trị đau nửa đầu và cách sử dụng hiệu quả.
Thuốc điều trị đau nửa đầu là phương pháp phổ biến được nhiều người lựa chọn
Tìm hiểu về đau đầu Migraine
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, đau đầu Migraine là tình trạng đau nửa đầu theo từng cơn, thường kèm theo nhịp mạch. Cơn đau có thể nhẹ hoặc trở nên dữ dội. Phụ nữ trong độ tuổi 30–45 là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Migraine được chia thành hai dạng chính:
Đau đầu Migraine có tiền triệu: Trước khi cơn đau xuất hiện, người bệnh có thể gặp triệu chứng như hoa mắt, ù tai, khó nói,… kéo dài từ vài phút đến 30 phút. Trong trường hợp nặng, chỉ cần thay đổi tư thế đầu, ho hoặc hắt hơi cũng có thể làm cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Đau đầu Migraine không có tiền triệu: Cơn đau xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
Các loại thuốc điều trị đau nửa đầu
Các loại thuốc điều trị đau nửa đầu được chia thành hai nhóm chính: thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc giảm đau không kê đơn
Một số loại phổ biến gồm acetaminophen, ibuprofen, aspirin… Những thuốc này giúp giảm đau nhanh chóng, nhưng nếu sử dụng quá thường xuyên (từ 15 ngày/tháng trở lên) có thể gây tác dụng ngược.
Ngoài ra, việc dùng thuốc kéo dài có thể ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, chức năng gan và thận, do đó cần thận trọng. Đặc biệt, trẻ dưới 12 tuổi không nên dùng aspirin để tránh nguy cơ mắc hội chứng Reye – một bệnh hiếm gặp gây tổn thương não và gan.
Thuốc điều trị đau nửa đầu kê đơn
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau:
Nhóm thuốc Triptan: Thường dùng cho bệnh nhân có cơn đau từ trung bình đến nặng, chỉ nên sử dụng khoảng 10 ngày trong một đợt điều trị. Triptan không dùng cho người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đau thắt ngực, tăng huyết áp hoặc phụ nữ mang thai. Người đang dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin hoặc serotonin-noradrenaline cần được theo dõi để kịp thời xử trí hội chứng serotonin nếu xảy ra.
Thuốc chống nôn: Thường kết hợp với NSAID hoặc Triptan để giảm buồn nôn và nôn, đặc biệt trong trường hợp cần điều trị cấp cứu.
Thuốc điều trị dự phòng
Các loại thuốc điều trị đau nửa đầu
Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cũng cho biết thêm, với bệnh nhân bị đau nửa đầu mạn tính, bác sĩ có thể chỉ định thuốc dự phòng để giảm tần suất cơn đau, bao gồm:
Thuốc chẹn beta: Giúp kiểm soát co thắt mạch máu, giảm đau nửa đầu. Tuy nhiên, người mắc bệnh hen suyễn không nên sử dụng.
Thuốc chống động kinh: Hiệu quả trong phòng ngừa đau nửa đầu, nhưng không phù hợp với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú do có thể gây tác dụng phụ như rụng tóc, thay đổi cân nặng, viêm gan…
Thuốc chống trầm cảm: Hữu ích cho bệnh nhân trầm cảm thứ phát sau đau nửa đầu. Thuốc tác động đến serotonin và norepinephrine, giúp giảm tần suất và mức độ đau. Tuy nhiên, có thể gây tăng cân, hạ huyết áp, buồn ngủ, táo bón…
Kháng thể đơn dòng (erenumab, eptinezumab…): Đây là nhóm thuốc mới, thường dùng dưới dạng tiêm. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ như phản ứng tại chỗ tiêm, chuột rút và táo bón.
Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị đau nửa đầu
Đau nửa đầu là tình trạng phổ biến, nhưng một số bệnh lý nguy hiểm tại não hoặc rối loạn toàn thân cũng có thể gây triệu chứng tương tự đau nửa đầu Migraine. Do đó, thăm khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác là điều cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị.
Đối với những bệnh nhân được kê đơn thuốc điều trị đau nửa đầu, cần lưu ý các điểm sau để tối ưu hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ
Tránh lạm dụng thuốc: Bệnh đau nửa đầu có thể tái phát thường xuyên, khiến nhiều người tự ý dùng thuốc quá mức. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ mà còn gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Tuân thủ thời gian điều trị: Một số trường hợp cần dùng thuốc phòng ngừa trong hơn 3 tháng. Người bệnh cần kiên trì tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Kết hợp các phương pháp hỗ trợ: Ngoài thuốc, có thể áp dụng thêm các biện pháp giúp giảm đau như nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh; chườm lạnh lên vùng đau; tránh xa khói thuốc và mùi khó chịu khi cơn đau xuất hiện; tập yoga theo hướng dẫn để thư giãn và kiểm soát căng thẳng.
Tái khám định kỳ: Thăm khám theo lịch hẹn giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh thuốc khi cần thiết để đạt kết quả tối ưu.
Những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc điều trị đau nửa đầu và các lưu ý quan trọng khi sử dụng. Khi có dấu hiệu đau nửa đầu, hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hoa ngũ sắc là vị thuốc được sử dụng trong y hoc cổ truyền có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, trừ thấp và được dùng để điều trị bệnh phong thấp, đau xương, quai bị, sốt cao, ho ra máu, cao huyết áp,…
Thiên Cân Bạt (Radix Flemingiae) là dược liệu quý trong y học cổ truyền, có tác dụng kiện gân cốt, thanh phế, giải độc, giảm viêm, giãn cơ. Cây mọc hoang trên đồi núi và được dùng lâu đời trong bài thuốc dân gian.
Bệnh tim mạch phổ biến, ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều người dùng thảo dược hỗ trợ điều trị, đặc biệt hở van tim. Ích Tâm Khang là sản phẩm tiêu biểu, kết hợp y học cổ truyền và công nghệ hiện đại, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi độ tuổi và giới tính. Việc sử dụng thuốc là phương pháp điều trị hiệu quả. Dưới đây là một số loại thuốc thường được dùng để trị viêm đường tiết niệu cùng những lưu ý quan trọng khi dùng.