Chóng mặt : Nguyên nhân gây ra và phương pháp điều trị
Thứ tư, 26/06/2024 | 10:38
Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, khiến bạn cảm thấy mọi thứ xung quanh quay cuồng và khó giữ thăng bằng, dễ té ngã. Nguyên nhân và điều trị chóng mặt rất phức tạp và đa dạng.
Chóng mặt là cảm giác mọi thứ xung quanh quay cuồng, mất thăng bằng
Các nguyên nhân nào gây chóng mặt?
Theo Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, chóng mặt là hậu quả từ các vấn đề của tai trong, dây thần kinh tiền đình ốc tai (dây số VIII), và não. Tai trong gửi tín hiệu về chuyển động của đầu và cơ thể so với trọng lực đến não qua dây thần kinh tiền đình ốc tai, giúp bạn giữ thăng bằng.
Dưới đây là nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt bao gồm:
Chóng mặt tư thế kích phát lành tính (BPPV): Các hạt sỏi tai bị bong ra và di chuyển trong các ống bán khuyên của tai trong, thường liên quan đến chấn thương đầu hoặc tuổi tác.
Bệnh Meniere: Rối loạn xảy ra ở tai trong do tích tụ nội dịch và thay đổi áp lực, gây chóng mặt, ù tai và giảm thính lực.
Viêm dây thần kinh tiền đình / Viêm mê đạo tai: Thường do viêm nhiễm virus gây tổn thương tai trong và dây thần kinh tiền đình ốc tai, dẫn đến chóng mặt và mất thăng bằng.
Các nguyên nhân khác: Chấn thương đầu, cổ, các vấn đề về não như đột quỵ, khối u, tác dụng phụ của thuốc, hoặc bệnh đau đầu Migrain cũng có thể gây chóng mặt.
Các triệu chứng kèm theo tình trạng chóng mặt
Chóng mặt thường xảy ra khi bạn đột ngột thay đổi vị trí của đầu. Những người bị chóng mặt thường mô tả cảm giác này bằng các cụm từ như:
Quay cuồng
Nghiêng ngả
Đung đưa
Mất thăng bằng
Bị kéo về một hướng
Các dấu hiệu khác có thể đi kèm với chóng mặt gồm:
Cảm thấy buồn nôn
Ói mửa
Giật nhãn cầu hoặc mắt chuyển động bất thường
Đau đầu
Đổ mồ hôi
Nghe tiếng ve kêu, ù tai, gió thổi trong tai hoặc nghe kém
Cơn chóng mặt có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ, hoặc thậm chí lâu hơn. Nó có thể đến và đi đột ngột, hoặc có yếu tố khởi phát rõ ràng.
Phương pháp điều trị chóng mặt
Xác định nguyên nhân gây ra chóng mặt sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn
Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, điều trị chóng mặt phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp, chóng mặt có thể tự khỏi mà không cần can thiệp do não có khả năng thích nghi với sự thay đổi của tai trong. Tuy nhiên, một số người cần điều trị cụ thể:
Phục hồi chức năng tiền đình: Đây là phương pháp vật lý trị liệu nhằm củng cố hệ thống tiền đình, giúp não thích nghi và bù đắp cho sự thiếu hụt thông tin từ tai trong, từ đó giảm chóng mặt.
Thủ thuật chuyển đổi vị trí hạt sỏi tai: Được áp dụng cho bệnh nhân mắc BPPV, các thủ thuật này giúp di chuyển hạt sỏi từ ống bán khuyên vào khoang tai trong ban đầu. Quá trình thực hiện thủ thuật này có thể gây ra tình trạng chóng mặt tạm thời.
Dược phẩm: Một số loại thuốc có thể giảm triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi. Nếu chóng mặt do nhiễm trùng hoặc viêm, có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh hoặc steroid. Đối với bệnh Meniere, thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng để giảm áp lực tai trong.
Phẫu thuật: Đối với các nguyên nhân nghiêm trọng như khối u hoặc chấn thương, phẫu thuật có thể cần thiết để loại bỏ nguyên nhân gây chóng mặt.
Chóng mặt là biểu hiện của nhiều bệnh và có thể điều trị tốt nếu biết chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, thường có khả năng tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, chóng mặt không nghiêm trọng và sẽ biến mất nếu được điều trị đúng cách.
Người bị chóng mặt cần lưu ý gì?
Những lưu ý người hay bị chóng mặt cần biết
Bạn có thể kiểm soát và ngăn chặn tình trạng chóng mặt tiến triển xấu bằng cách duy trì các thói quen và chế độ sinh hoạt sau:
Cẩn thận khi di chuyển, dùng gậy hỗ trợ nếu cần;
Tránh thay đổi tư thế đột ngột;
Giữ nhà cửa gọn gàng, tránh để đồ vật dễ gây vấp ngã;
Nằm hoặc ngồi ngay khi cảm thấy chóng mặt;
Không lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm khi thường xuyên bị chóng mặt;
Giảm tiêu thụ muối, rượu, thuốc lá và cà phê;
Uống đủ nước, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, và kiểm soát căng thẳng;
Hiểu rõ tác dụng phụ của các loại thuốc đang dùng và tham khảo ý kiến bác sĩ;
Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát và bổ sung chất điện giải.
Xác định nguyên nhân chóng mặt giúp điều trị hiệu quả hơn. Nếu không tìm ra hoặc không xử lý triệt để, chóng mặt có thể tái phát. Khi chóng mặt, hãy nằm nghỉ thoải mái và tránh di chuyển để không té ngã. Dùng thuốc kèm theo lối sống lành mạnh, tập thể dục, và giảm căng thẳng có thể giảm tần suất tái phát chóng mặt.
Sói rừng là vị thuốc quý được dùng trong đông y với tác dụng chữa đau lưng, đau khớp, gãy xương, bệnh nhọt, viêm ruột thừa cấp,…Hãy cùng tìm hiểu những công dụng của vị thuốc này nhé.!
Đau họng khi nuốt nước bọt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Vậy khi bị đau họng lúc nuốt nước bọt, nên dùng thuốc gì để nhanh chóng cải thiện tình trạng này?
Hoa ngũ sắc là vị thuốc được sử dụng trong y hoc cổ truyền có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, trừ thấp và được dùng để điều trị bệnh phong thấp, đau xương, quai bị, sốt cao, ho ra máu, cao huyết áp,…
Thiên Cân Bạt (Radix Flemingiae) là dược liệu quý trong y học cổ truyền, có tác dụng kiện gân cốt, thanh phế, giải độc, giảm viêm, giãn cơ. Cây mọc hoang trên đồi núi và được dùng lâu đời trong bài thuốc dân gian.