Những điều cần biết về thuốc Depo-Medrol (methylprednisolone)

Thứ sáu, 14/07/2023 | 10:07

Methylprednisolone (Depo-Medrol) là thuốc gì? Dùng thuốc như thế nào, lưu ý ra sao để đạt được hiệu quả? Hãy cùng phân tích bài viết dưới đây để hiểu sâu về thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol) nhé!

01689304404.jpeg

Thuốc Depo-Medrol (methylprednisolone)

Thành phần hoạt chất: methylprednisolone.

Tên thành phần tương tự: Agimetpred 4; Amedred; Cbipred; Clerix; Cortrium; Datisoc; Depocortin; Tanametrol; Thylmedi; Thylnisone; Tomethrol; Urselon; Vimethy; Vinsolon; Vipredni; Zentoprednol.

Methylprednisolone (Depo-Medrol) là thuốc gì?

Theo các Dược sĩ Nhà thuốc, Methylprednisolon là một glucocorticoid tổng hợp, dẫn xuất 6-alpha-methyl của prednisolon, có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch và chống tăng sinh tế bào.

Tác dụng chống viêm của methylprednisolon là làm giảm sản xuất, giải phóng hoạt tính của các chất trung gian chống viêm (như histamin, prostaglandin, leucotrien…). Từ đó làm giảm các biểu hiện ban đầu của quá trình viêm.

Chỉ định dùng thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol)

Dự phòng và điều trị thải ghép.

Chống viêm hoặc ức chế miễn dịch để điều trị một số bệnh bao gồm vấn đề huyết học, dị ứng, viêm, ung thư và bệnh tự miễn.

Trường hợp không được dùng thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol)

  • Đang dùng vắc xin virus sống.
  • Da bị tổn thương do virus, nấm hoặc lao.
  • Nhiễm khuẩn nặng, trừ sốc nhiễm khuẩn và lao màng não.
  • Quá mẫn với methylprednisolon hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào khác của thuốc.

Cách dùng/liều dùng thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol)

Cách dùng

Liều dùng đối với trẻ em phải dựa vào mức độ nặng của bệnh và đáp ứng của bệnh nhân, thay vì dựa vào liều chỉ định theo tuổi, cân nặng hoặc diện tích bề mặt da.

Sau khi đạt được liều chuẩn, cần phải giảm dần liều xuống tới mức duy trì thấp nhất được đáp ứng lâm sàng.

Khi dùng liệu pháp methylprednisolon đường uống lâu dài, phải cân nhắc dùng phác đồ uống cách nhật. Sau đó, phải ngừng dần dần.

Liều dùng cụ thể

1. Methylprednisolon

  • Người lớn: Liều ban đầu từ 2 – 60 mg/ngày, phụ thuộc vào bệnh, thường chia làm 4 lần.
  • Bệnh dị ứng (viêm da tiếp xúc): Liều khuyến cáo ban đầu 24 mg (6 viên) ngày đầu, sau đó giảm dần mỗi ngày 4 mg cho tới 21 viên (cho trong 6 ngày).
  • Hen: Đối với trẻ nhỏ hơn 4 tuổi (trên 3 đợt hen nặng/năm) và trẻ 5 – 11 tuổi bị hen (có ít nhất 2 đợt bệnh nặng/năm) dùng liều 1 – 2 mg/kg/ ngày (tối đa 60 mg/ngày).
  • Người lớn và thiếu niên có ít nhất 2 đợt hen nặng/năm: Dùng liều 40 – 60 mg/ngày uống một lần hoặc chia làm 2 lần. Có thể thêm vào liều duy trì corticosteroid khí dung hoặc thuốc giãn phế quản chủ vận beta2 tác dụng kéo dài.

Một liệu trình corticosteroid uống ngắn (3 – 10 ngày) có thể tiếp tục cho tới khi người bệnh đạt lưu lượng tối đa thở ra (PEP) 80%, đồng thời hết các triệu chứng. Một khi hen đã được kiểm soát tốt, cần giảm liều uống corticosteroid.

2. Methylprednisolon acetat

Methylprednisolon acetat có thể tiêm bắp, tiêm trong khớp tổn thương, bao hoạt dịch hoặc trong mô mềm khi cần có tác dụng ngay và ngắn. Tuy nhiên không được tiêm trong ống tủy.

Liều dùng cụ thể của methylprednisolon acetat:

  • Người lớn: Liều thông thường từ 10 – 80 mg. Nếu dùng để thay thế tạm thời liệu pháp uống, liều methylprednisolon acetat phải bằng tổng liều hàng ngày của methylprednisolon đường tiêm bắp ngày 1 lần.

Nếu muốn có tác dụng kéo dài có thể tiêm methylprednisolon acetat với liều bằng 7 lần liều uống hằng ngày của methylprednisolon và tiêm bắp 1 lần/tuần.

  • Điều trị duy trì viêm khớp dạng thấp: Liều 40 – 120 mg tiêm bắp 1 lần/tuần.
  • Hội chứng tuyến thượng thận sinh dục bẩm sinh: Liều 40 mg tiêm bắp cách 2 tuần một lần.
  • Viêm trong khớp, tổn thương mô mềm: Liều thay đổi tùy theo mức độ viêm, kích thước tổn thương. Trước khi dùng, cần tiêm procain hydroclorid 1% vào mô xung quanh khớp. Khớp lớn (đầu gối) là 20 – 80 mg methylprednisolon acetat, khớp nhỏ là 4 – 10 mg. Bao hoạt dịch, hạch, mô mềm là 4 – 30 mg. Quá trình hấp thu thuốc trong khớp rất chậm và cần tiếp tục khoảng 7 ngày. Việc tiêm có thể lặp lại cách 1 – 5 tuần, phụ thuộc vào đáp ứng của người bệnh.
  • Bệnh dị ứng (hen phế quản, viêm mũi theo mùa): Liều 80 – 120 mg tiêm bắp ở người lớn; 1 – 2 mg/kg tiêm bắp ban đầu ở trẻ em. Trường hợp hen kiểm soát kém, không uống được do nôn, có thể dùng một liều đơn tiêm bắp methylprednisolon acetat 7,5 mg/kg dùng cho trẻ nhỏ hơn 4 tuổi hoặc 240 mg dùng cho trẻ lớn hơn 5 tuổi và người lớn.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol)

11689304404.jpeg

Có thể gặp một số tác dụng phụ khi dùng thuốc

  • Rậm lông.
  • Đau khớp.
  • Chảy máu cam.
  • Đái tháo đường.
  • Chán ăn, khó tiêu.
  • Phù, tăng huyết áp.
  • Phản ứng quá mẫn.
  • Đục thủy tinh thể, glôcôm.
  • Yếu cơ, loãng xương, gẫy xương.
  • Mất ngủ, thần kinh dễ bị kích động.
  • Trứng cá, teo da, thâm tím, tăng sắc tố mô.
  • Loét dạ dày, buồn nôn, nôn, chướng bụng, viêm loét thực quản, viêm tụy.
  • Chóng mặt, cơn co giật, loạn tâm thần, u giả ở não, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, mê sảng, ảo giác, sảng khoái.
  • Hội chứng Cushing, ức chế trục tuyến yên – thượng thận, chậm lớn, không dung nạp glucose, giảm kali huyết, nhiễm kiềm, vô kinh, giữ natri và nước, tăng glucose huyết.

Tương tác thuốc khi dùng methylprednisolone (Depo-Medrol)

Thầy Lý Thanh Long – Dược sĩ CK1, hiện đang là Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM thông tin thêm, thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol) có thể gây tương tác với một số thuốc như:

  • Rifampicin.
  • Cyclosporin.
  • Ketoconazol.
  • Erythromycin.
  • Phenbarbital, phenytoin, carbamazepin.
  • Thuốc lợi tiểu giảm kali huyết (làm giảm hiệu lực của thuốc).

Đối với người bệnh tiểu đường, methylprednisolon có thể gây tăng glucose huyết, do đó cần dùng liều insulin cao hơn.

Lưu ý khi dùng thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol)

Một số lưu ý khi dùng thuốc methylprednisolone (Depo-Medrol) bao gồm:

  • Trẻ em: có thể nhạy cảm hơn với sự ức chế tuyến thượng thận khi điều trị thuốc bôi.
  • Người cao tuổi: cần phải sử dụng thận trọng methylprednisolon toàn thân cho người cao tuổi, với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.
  • Suy tuyến thượng thận cấp: có thể xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột sau thời gian dài điều trị hoặc khi có stress.
  • Ảnh hưởng vắc xin: Khi dùng liều cao, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của tiêm chủng vắc xin.
  • Bệnh lý: Thận trọng ở những người bệnh loãng xương, người mới nối thông mạch máu, rối loạn tâm thần, loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim và trẻ đang lớn, suy gan, suy thận, glôcôm, bệnh tuyến giáp, đục thủy tinh thể.

Lưu ý ở phụ nữ có thai và cho con bú

Việc dùng kéo dài methylprednisolon toàn thân ở người mẹ có thể làm giảm thể trọng của trẻ sơ sinh. Do thuốc có thể vào sữa mẹ nên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nhìn chung, việc sử dụng methylprednisolon ở người mang thai đòi hỏi phải cân nhắc lợi ích có thể đạt được so với những rủi ro có thể xảy ra với phụ nữ mang thai.

Cách xử trí khi dùng quá liều thuốc methylprednisolone

Khi sử dụng liều quá cao trong thời gian dài có thể gây tăng năng vỏ tuyến thượng thận và ức chế tuyến thượng thận. Điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng, biểu hiện hội chứng Cushing (toàn thân), yếu cơ (toàn thân) và loãng xương (toàn thân).

Đối với trường hợp dùng quá liều thuốc, bạn cần cân nhắc tạm ngừng hoặc ngừng hẳn việc dùng glucocorticoid. Đồng thời thăm khám bác sĩ nếu có triệu chứng bất thường.

Xử lý khi quên liều methylprednisolone (Depo-Medrol)

  • Dùng ngay sau khi nhớ ra.
  • Bỏ qua liều đã quên nếu liều đó gần kế với liều kế tiếp.
  • Không nên dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.

Cách bảo quản thuốc methylprednisolone

  • Lọ nguyên đựng methylprednisolon natri succinat bảo quản ở 15 – 25 độ C.
  • Dung dịch đã pha methylprednisolon natri succinat được bảo quản ở 15 – 25 độ C và dùng trong vòng 48 giờ.
  • Hỗn hợp tiêm để ở nhiệt độ 25 độ C hoặc tủ lạnh (4 độ C), chế phẩm bền vững trong 48 tiếng.

Những thông tin trên từ tin tức y tế hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về thuốc kháng viêm methylprednisolone (Depo-Medrol). Không nên tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ điều trị.

Bệnh viêm gan B cấp là gì? Nguy hiểm thế nào?

Bệnh viêm gan B cấp là gì? Nguy hiểm thế nào?

Viêm gan B cấp là giai đoạn khởi phát của bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Do đó, mọi người cần chú ý và trang bị kiến thức về phòng ngừa và điều trị để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Vì sao thường xuyên xuất hiện các vết bầm tím trên da?

Vì sao thường xuyên xuất hiện các vết bầm tím trên da?

Thường thì vết bầm tím hình thành do sự tổn thương các mạch máu nhỏ dưới da. Vết bầm tím thường xuyên xuất hiện trên da mà không rõ nguyên nhân gì thì có thể đó là dấu hiệu tình trạng sức khỏe đáng báo động.
Thời gian điều trị vi khuẩn HP là bao lâu?

Thời gian điều trị vi khuẩn HP là bao lâu?

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm loét dạ dày. Nếu không điều trị hiệu quả, nhiễm HP có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Bài viết này sẽ tìm hiểu thời gian điều trị vi khuẩn HP và cách phòng ngừa tái phát bệnh.
Mụn mạch lươn là gì và cách điều trị hiệu quả

Mụn mạch lươn là gì và cách điều trị hiệu quả

Mụn mạch lươn là một dạng biến chứng nặng của mụn trứng cá, gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Do đó, việc điều trị và chăm sóc mụn mạch lươn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Đăng ký trực tuyến