Thấp tim ở trẻ em : Các dấu hiệu cảnh báo

Thứ sáu, 09/08/2024 | 09:35

Bệnh thấp tim ở trẻ em thường gặp trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi. Nếu không được khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm. Chủ động phòng ngừa thấp tim là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

01723171228.jpeg
Chủ động phòng ngừa bệnh thấp tim ở trẻ để bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ

Bệnh thấp tim ở trẻ em là gì?

Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, bệnh thấp tim là dạng viêm mô liên kết thường xảy ra sau viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, hoặc viêm da, do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (Beta hemolytic Group A Streptococcus) gây ra. Viêm mô liên kết có thể tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là khớp, tim, hệ thần kinh, da và mô dưới da. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên sau nhiều đợt viêm cấp tái phát, với tổn thương tim là nghiêm trọng nhất. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện sống nghèo nàn, vệ sinh kém, nhà cửa chật hẹp, và khí hậu lạnh ẩm. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của bệnh.

Bệnh thấp tim ở trẻ em có những triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh thấp tim ở trẻ em thường xuất hiện từ 2-4 tuần sau khi nhiễm liên cầu khuẩn. Các dấu hiệu ban đầu có thể bao gồm sốt cao (38-40°C), ra nhiều mồ hôi, đỏ họng, chảy máu cam, chán ăn, mệt mỏi, tiểu ít và sắc mặt nhợt nhạt. Những triệu chứng này có thể chỉ thoáng qua mà không gây khó chịu lớn, nhưng sau 1-5 tuần, trẻ có thể bắt đầu cảm thấy đau khớp.

Triệu chứng của bệnh thấp tim có thể ảnh hưởng theo các cơ quan sau:

Tim: Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, tức ngực, khó thở, hồi hộp, hoặc rối loạn nhịp tim. Có thể nghe thấy tiếng bất thường ở tim do tổn thương cơ tim và màng trong tim, viêm cơ tim, hở van hai lá, hoặc hở van động mạch chủ. Viêm tim nặng có thể dẫn đến suy tim cấp, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời, và có thể gây ra các di chứng nghiêm trọng cho van tim.

Khớp: Trẻ có thể đau ở một số khớp, đặc biệt là các khớp lớn như gối, khuỷu tay, cổ chân, và cổ tay, khiến việc đi lại và cử động trở nên khó khăn. Các khớp cột sống, khớp ngón tay, và ngón chân thường ít bị sưng đau hơn.

11723171228.jpeg
Các triệu chứng thường gặp của bệnh thấp tim

Thần kinh: Theo Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, đây là triệu chứng muộn của bệnh thấp tim, xuất hiện sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng từ khi nhiễm liên cầu. Biểu hiện có thể bao gồm mất tự chủ trong vận động, khó khăn trong định hướng và thực hiện các hoạt động có mục đích, thay đổi cảm xúc, và dễ bị xúc động. Trẻ có thể cáu gắt, gặp khó khăn khi nói, hoặc cầm bút, đũa.

Da: Triệu chứng này hiếm gặp hơn. Trẻ có thể nổi các hạt Meynet, là những hạt cứng từ 0,5 - 2 cm dưới da, thường xuất hiện ở đầu gối và không đau khi ấn vào. Da trên các hạt này vẫn di động bình thường và không có biểu hiện viêm. Các hạt này thường tồn tại vài tuần nhưng không quá một tháng. Đôi khi, có thể xuất hiện ban màu hồng hoặc vàng nhạt, hình tròn với bờ viền cao hơn bề mặt da, thường ở thân mình và gốc chi, không xuất hiện trên mặt. Những tổn thương này có thể biến mất sau vài ngày đến vài tuần.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thấp tim có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho van động mạch chủ, gây tổn thương não, thận, phổi, suy tim và có thể gây tử vong. Bệnh cũng dễ tái phát, thường sau 5 năm từ đợt viêm cấp đầu tiên.

Điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em như thế nào?

Điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em

Trẻ mắc bệnh thấp tim cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại bệnh viện. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng đều nhằm mục đích chống nhiễm khuẩn, chống viêm và điều trị các biến chứng. Cụ thể:

  • Chống viêm nhiễm: Tiêm kháng sinh Penicillin hoặc Erythromycin theo chỉ định của bác sĩ, với thời gian và liều lượng phù hợp. Có thể sử dụng thuốc kháng viêm steroid hoặc không steroid tùy theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị biến chứng: Sử dụng các loại thuốc điều trị suy tim, an thần, thuốc lợi tiểu,..., theo chỉ định của bác sĩ.

Trong thời gian điều trị, trẻ cần nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường ít nhất 2 tuần, có thể kéo dài từ 6 tuần đến 3 tháng đối với trường hợp nặng. Nếu trẻ bị suy tim, cần cho trẻ tuân thủ chế độ ăn nhạt. Bệnh thấp tim có thể tái phát và gây di chứng nghiêm trọng, nên phòng ngừa và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng.

Nguồn: Tin tức Y Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

Naratriptan: Thuốc trị chứng đau nữa đầu và những lưu ý khi sử dụng

Naratriptan: Thuốc trị chứng đau nữa đầu và những lưu ý khi sử dụng

Naratriptan là thuốc điều trị chứng đau nửa đầu, giúp giảm các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn và nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng. Sử dụng thuốc kịp thời giúp giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau khác và giúp người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Đau đầu ngón tay là triệu chứng của những bệnh gì?

Đau đầu ngón tay là triệu chứng của những bệnh gì?

Đầu ngón tay chứa nhiều dây thần kinh cảm giác nên rất nhạy cảm. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu ngón tay, phổ biến nhất là do các bệnh lý. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Viêm dạ dày mạn tính và những điều cần biết

Viêm dạ dày mạn tính và những điều cần biết

Viêm dạ dày mạn tính là một bệnh tiêu hóa phổ biến có thể dẫn đến ung thư nếu không được điều trị đúng cách. Vì vậy, việc nắm bắt thông tin về căn bệnh này là rất quan trọng để phòng ngừa và xử lý kịp thời nếu mắc phải.
Béo phì được xác định dựa trên yếu tố nào?

Béo phì được xác định dựa trên yếu tố nào?

Béo phì hiện đang là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trong xã hội ngày nay. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống mà còn tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Đăng ký trực tuyến