Ciprofloxacin thuốc điều trị nhiễm khuẩn và những lưu ý khi sử dụng

Thứ bảy, 19/11/2022 | 15:37

Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh diệt khuẩn, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn hô hấp, viêm xoang cấp, đợt cấp của viêm phế quản mạn, viêm tủy xương, nhiễm khuẩn da và mô mềm.

01668847685.jpeg

Ciprofloxacin là thuốc điều trị bệnh lý do nhiễm vi khuẩn

1. Ciprofloxacin là thuốc

Theo DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Ciprofloxacin là kháng sinh bán tổng hợp, thuộc nhóm fluoroquinolon. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng và tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế enzym DNA girase của vi khuẩn, dẫn đến ức chế sự sao chép của chromosom khiến cho vi khuẩn không sinh sản được nhanh chóng và bị tiêu diệt.

Ciprofloxacin có tác dụng tốt với các vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh thuộc các nhóm khác như cephalosporin, tetracyclin, penicilin, aminoglycosid… Tác dụng diệt khuẩn của Ciprofloxacin mạnh nhất so với các thuốc kháng sinh khác trong nhóm fluoroquinolon.

Phổ kháng khuẩn:

Ciprofloxacin có phổ kháng khuẩn rất rộng, có tác dụng diệt khuẩn phần lớn trên các vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn Gram dương.

Vi khuẩn Gram  âm:

Trực khuẩn gram âm: Các chủng vi khuẩn thường nhạy cảm cao với Ciprofloxacin như Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Pseudomonas cepacia, Escherichia coli (E. coli, trực khuẩn đại tràng), Salmonella (trực khuẩn thương hàn), Shigella (trực khuẩn lỵ), Proteus (mầm bệnh cơ hội), Yersina pestis (gây bệnh dịch hạch), Brucella (gây bệnh Brucellosis), Bordetella pertussis (trực khuẩn gây bệnh ho gà), Neisseria gonorrhoeae (cầu khuẩn lậu), Neisseria meningitidis (cầu khuẩn màng não), Helicobacter pylori (HP, gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng), Vibrio cholerae (Phẩy khuẩn gây bệnh tả), Campylobacter (gây tiêu chảy cấp), Vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như Haemophilus influenzae và Legionella spp., Legionella pneumophila thường nhạy cảm cao. Spirochaetes (xoắn khuẩn): Leptosprira (xoắn khuẩn lepto). Một số chủng nhạy cảm vừa với thuốc như Mycoplasma và Chlamydia.

Vi khuẩn Gram dương: Hoạt tính kháng khuẩn của Ciprofloxacin trên các chủng vi khuẩn Gram dương kém nhạy cảm hơn như Streptococcus pneumonia, Streptococcus pyogenes, Streptococcus agalactiae, Streptococcus viridans, các tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Enterococci, Bacillus anthracis (vi khuẩn than), Bacillus cereus, Corynebacterium diphtheriae (bạch hầu), Listeria monocytogenes.

Hiện tượng đề kháng:

Hiện nay, thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon được sử dụng điều trị nhiễm khuẩn nhiều trên lâm sàng, hiện tượng kháng thuốc của nhóm Fluoroquinolon đã tăng lên. Cơ chế đề kháng thuốc của vi khuẩn phát triển chậm thông qua nhiều bước đột biến khác nhau. Ciprofloxacin có sự kháng chéo giũa các thuốc khác trong nhóm fluoroquinolon trên vi khuẩn Gram âm, đặc biệt tăng tỷ lệ kháng thuốc của Salmonella.

Dược động học:

Ciprofloxacin được hấp thu nhanh qua đường uống. Sinh khả dụng khoảng 70 -80%. Thức ăn (có chứa các ion kim loại như Ca, Fe, Mg) và các thuốc chống toan sẽ làm giảm hấp thu của thuốc. Nồng độ đỉnh của thuốc đạt được trong vòng 1 -2 giờ sau khi uống.

Ciprofloxacin được phân bố rộng khắp và có nồng độ cao ở những nơi bị nhiễm khuẩn như các dịch cơ thể, các mô. Nồng độ trong mô thường cao hơn nồng độ trong huyết tương, đặc biệt là ở các nhu mô, cơ, mật và tuyến tiền liệt. Nồng độ thuốc trong dịch bạch huyết và dịch ngoại bào cũng gần bằng nồng độ trong huyết tương. Nồng độ thuốc trong nước bọt, nước mũi, đờm, dịch ổ bụng, da, sụn và xương tuy có thấp hơn, nhưng vẫn ở mức độ ngưỡng điều trị. Nếu màng não bình thường, thì nồng độ thuốc trong dịch não tủy chỉ bằng 10% nồng độ trong huyết tương, nhưng khi màng não bị viêm, thì thuốc ngấm qua nhiều hơn. Ciprofloxacin phân bố được qua nhau thai và bài tiết qua sữa mẹ. Thể tích phân bố của Ciprofloxacin rất lớn khoảng 2 – 3 lít/kg thể trọng, do đó có thể lọc máu hay thẩm tách màng bụng chỉ rút đi được một lượng nhỏ thuốc. Thời gian bán thải của Ciprofloxacin khoảng 3,5 – 4,5 giờ. Ở người suy thận, nửa đời trong huyết tương kéo dài hơn.

Ciprofloxacin được đào thải qua thận khoảng 40 – 50% liều uống đào thải dưới dạng không đổi qua nước tiểu. Khoảng 75% liều tiêm tĩnh mạch đào thải dưới dạng không đổi qua nước tiểu và khoảng 15% đào thải theo phân. Các đường đào thải khác như đào thải qua niêm mạc vào trong lòng ruột (đây là cơ chế đào thải bù trừ ở người bệnh bị suy thận nặng). Thuốc được đào thải hết ra khỏi cơ thể trong vòng 24 giờ.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Ciprofloxacin

Ciprofloxacin được sản xuất trên thị trường với dạng uống là Ciprofloxacin hydroclorid, dạng tiêm là Ciprofloxacin lactat và hàm lượng là:

Viên bao phim: 100 mg, 150 mg, 200 mg, 300 mg, 400 mg, 500 mg, 750 mg.

Viên nang: 100 mg, 150 mg, 200 mg, 300 mg, 400 mg, 500 mg, 750 mg.

Viên đạn trực tràng: 500 mg.

Dung dịch tiêm truyền: 100 mg/10 ml, 100 mg/50 ml, 200 mg/100 ml, 400 mg/200ml.

Thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai 0,3%: Chai 5 ml chứa 15 mg Ciprofloxacin hydroclorid.

Brand name: Ciprobay 200, Ciprobay 500, Ciprobay 400mg, Ciprobay IV inj 200mg, Ciprobay tab 500mg.

Generic: Medxacin, Cipazy, Aristin-C, Prolaxi Eye Drops, Recipro, BinexRofcin Tab., Ciprofloxacino G.E.S. 2mg/ml, Bloci, Brucipro Tablets, Bruxacin, Ciplox Tablets, Ciplox eye ointment, Ciplox injection, Citopcin injection, Biocip, Bivicip AG, Lufocin, Pelovime, Becacipro, Ciprofloxacin 500mg, Prohibit suspension, Hadipro, Diflox-15mg/5ml, Ciprofloxacin 500, Agicipro, Amfacin, Ciprofloxacin – APC, Ciprofloxacin 0,3%, Ciprofloxacin 500, Ciprom 500, Ciprofloxacin 500, Davylox, Euprocin 500, Isotic quiflocin, Ciprofloxacin 750mg, Hadolmax, pms-Ciprofloxacin 500mg, Kaprocin, Compacin, Ciprex, Kinolinon 500mg, Opecipro 500, Fudcipro 500 mg, Lodegald-Cipro, Nafacipro 500mg, Quafacip, Ciprofloxacin SK, SaViCipro, Tiphacipro 500, Basmicin, Quinrox, Logiflox, Rezocip.

3.Thuốc Ciprofloxacin được dùng cho những trường hợp nào

Ciprofloxacin được chỉ định điều trị các nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không tác dụng để tránh phát triển các vi khuẩn kháng Ciprofloxacin. Các bệnh do các vi khuẩn nhạy cảm với Ciprofloxacin như:

Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do vi khuẩn Gram âm như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính trầm trọng, viêm phế quản ở người xơ nang hoặc giãn phế quản, viêm phổi.

Điều trị viêm tai giữa mưng mủ mạn tính.

Điều trị đợt cấp của viêm xoang mạn do vi khuẩn Gram âm.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Điều trị nhiễm khuẩn đường sinh dục như viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung do lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae), viêm mào tinh hoàn do Neisseria gonorrhoeae, viêm vùng chậu do Neisseria gonorrhoeae.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt.

Điều trị viêm xương – tủy.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá như tiêu chảy du lịch, viêm ruột do vi khuẩn, nhiễm khuẩn ổ bụng.

Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở da và mô mềm.

Điều trị nhiễm trùng nặng mắc trong bệnh viện như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn do người bị suy giảm miễn dịch.

Dự phòng bệnh não mô cầu do nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch.

11668847685.jpeg

Sâu răng có thể gây nên viêm tủy xương

4.Cách dùng - Liều lượng của Ciprofloxacin

Cách dùng:

Ciprofloxacin dạng viên dùng đường uống trước bữa ăn để thuốc hấp thu nhanh hơn.

Ciprofloxacin dạng tiêm truyền tĩnh mạch khoảng 30 phút cho 100 và 200 mg hay 60 phút cho 400 mg. Dung dịch truyền có thể dùng trực tiếp hay sau khi pha với các loại dịch truyền tĩnh mạch khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ciprofloxacin dạng nhỏ mắt, nhỏ tai.

Liều dùng:

Người lớn: Uống liều 250 – 500mg/lần x 2 lần/ngày. Tuy vào mức độ nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn nặng: Uống liều 750 mg/lần x 2 lần/ngày.

Người lớn tuổi và bệnh suy thận: Cần giảm liều theo thể trang của người bệnh và độ thanh thải creatinine.

Thời gian điều trị: Điều trị Ciprofloxacin phải liên tục và ít nhất là 7 ngày. Có thể trong 4 - 6 tuần hoặc lâu hơn trong các nhiễm khuẩn xương và khớp.

Tóm lại, Liều dùng trên mang tính chất tham khảo, tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ nhiễm khuẩn, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng và thời gian điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất.

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Ciprofloxacin

Nếu người bệnh quên một liều Ciprofloxacin nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều thuốc tiếp theo, người bệnh chỉ cần dùng liều thuốc tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch điều trị.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Ciprofloxacin

Người bệnh dùng quá liều Ciprofloxacin thường có triệu chứng lâm sàng như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rối loạn thị giác, rối loạn nhịp tim.

Xử lý khi quá liều: Nếu người bệnh xảy ra bất kỳ biểu hiện triệu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị triệu chứng. Khẩn trương rửa dày dày ruột và dùng bằng biện pháp thích hợp loại thuốc ra khỏi đường hoá. Đồng thời theo dõi chức năng gan, thận, kiểm tra điện tâm đồ để theo dõi nhịp tim và các biểu hiện thần kinh.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin

1.Thuốc Ciprofloxacin chống chỉ định cho những trương hợp sau:

  • Người có tiền sử mẫn cảm với Ciprofloxacin hoặc các quinolon khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú.
  • Người có tiền sử bị viêm gân hoặc hoặc đứt gân do sử dụng thuốc nhóm quinolon.

2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Ciprofloxacin cho những trường hợp sau:

  • Lưu ý thận trọng khi dùng Ciprofloxacin đối với người bệnh có tiền sử động kinh hay rối loạn hệ thần kinh trung ương, người bị suy chức năng gan, người suy chức năng thận, người bị bệnh nhược cơ và người thiếu glucose 6 phosphate dehydrogenase.
  • Lưu ý dùng Ciprofloxacin dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức. Cần theo dõi người bệnh và thực hiện kháng sinh đồ thường xuyên để có biện pháp điều trị thích hợp theo kháng sinh đồ.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Ciprofloxacin có thể làm cho các xét nghiệm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis bị âm tính.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Ciprofloxacin có thể gây hoa mắt chóng mặt, đầu óc quay cuồng, ảnh hưởng đến việc điều khiển xe cộ hay vận hành máy móc.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Ciprofloxacin cho trẻ nhỏ và trẻ đang lớn. Không dùng cho trẻ dưới 18 tuổi, vì thuốc có gây thoái hóa sụn ở các khớp chịu trọng lực.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai, Ciprofloxacin phân bố  được vào nhau thai gây dị tật cho thai nhi rất lớn. Khuyến cáo không sử dụng Ciprofloxacin trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Ciprofloxacin có bài tiết qua sữa mẹ, gây tổn thương sụn khớp ở trẻ nhỏ khi bú sữa mẹ. Khuyến cáo không dùng thuốc Ciprofloxacin ở người mẹ đang cho con bú.
  • Lưu ý thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc, vì thuốc Ciprofloxacin có thể gây ra tác dụng không mong muốn như chóng mặt, hoa mắt.

8.Thuốc Ciprofloxacin gây ra tác dụng phụ nào

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy,  tăng tạm thời nồng độ các transaminase.
  • Ít gặp: Nổi ban, ngứa, viêm tĩnh mạch nông, nhức đầu, sốt do thuốc, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu đa nhân, thiếu máu, giảm tiểu cầu, nhịp tim nhanh, kích động, rối loạn tiêu hóa, tăng tạm thời creatinin, bilirubin và phosphatase kiềm trong máu, đau ở các khớp, sưng khớp.
  • Hiếm gặp: Rối loạn tâm thần, hoang tưởng, mất ngủ, trầm cảm, loạn cảm ngoại vi, rối loạn thị giác kể cả ảo giác, rối loạn thính giác, ù tai, rối loạn vị giác và khứu giác, tăng áp lực nội sọ, phản ứng phản vệ hoặc dạng phản vệ, thiếu máu tan máu, tăng bạch cầu, tăng tiểu cầu, thay đổi nồng độ prothrombin, cơn co giật, lú lẫn, viêm đại tràng màng giả, hội chứng da – niêm mạc, viêm mạch, hội chứng Lyell, ban đỏ da thành nốt, ban đỏ đa dạng tiết dịch, hoại tử tế bào gan, viêm gan, vàng da ứ mật, có tinh thể niệu khi nước tiểu kiềm tính, đái ra máu, suy thận cấp, viêm thận kẽ, đau cơ, viêm gân (gân gót) và mô bao quanh, đứt gân, đặc biệt là ở người cao tuổi khi dùng phối hợp với corticosteroid,nhạy cảm với ánh sáng khi phơi nắng, phù thanh quản hoặc phù phổi, khó thở, co thắt phế quản.

Tóm lại, trong quá trình điều trị bằng thuốc Ciprofloxacin, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Ciprofloxacin, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ tư vấn hướng dẫn để xử trí kịp thời.

9.Ciprofloxacin tương tác với các thuốc nào

Thuốc chống viêm không steroid: Làm tăng tác dụng phụ của Ciprofloxacin khi được dùng đồng thời.

Thuốc chống toan có nhôm và magnesi: Làm giảm nồng độ trong huyết tương và giảm khả dụng sinh học của Ciprofloxacin. Tránh dùng chung. Nều cần uống thuốc xa nhau ít nhất 2 – 4 giờ, nên uống thuốc chống toan 2 – 4 giờ trước khi uống Ciprofloxacin.

Thuốc gây độc tế bào như cyclophosphamid, vincristin, doxorubicin, cytosin arabinosid, mitozantron: Làm giảm sinh khả dụng của Ciprofloxacin khi được dùng đồng thời.

Didanosin: Làm giảm nồng độ Ciprofloxacin khi được dùng đồng thời. Nên uống Ciprofloxacin trước khi dùng Didanosin ít nhất 2 giờ hoặc uống sau khi dùng Didanosin 6 giờ.

Các chế phẩm có sắt (fumarat, gluconat, sulfat): Làm giảm sự hấp thu Ciprofloxacin ở ruột. Tránh dùng đồng thời với Ciprofloxacin.

Sucralfat: Làm giảm hấp thu Ciprofloxacin khi được dùng đồng thời.. Nên cho người bệnh uống kháng sinh 2 – 6 giờ trước khi uống Sucralfat.

Theophylin: Dùng đồng thời với Ciprofloxacin sẽ làm tăng nồng độ Theophylin trong huyết tương, làm tăng các tác dụng phụ của Theophylin. Nếu cần dùng 2 loại thuốc chung, phải theo dõi nồng độ Theophylin trong máu và giảm liều Theophylin.

Ciclosporin: Dùng đồng thời với Ciprofloxacin có thể gây tăng nhất thời creatinin huyết thanh. Theo dõi và kiểm tra creatinin huyết 2 lần cho mỗi tuàn.

Probenecid: Khi được dùng đồng thời với Ciprofloxacin sẽ làm giảm mức lọc cầu thận và giảm bài tiết ở ống thận, dẫn đến làm giảm đào thải thuốc qua nước tiểu.

Warfarin: Dùng chung với Ciprofloxacin gây hạ prothrombin. Cần theo dõi và thường xuyên kiểm tra prothrombin huyết và hiệu chỉnh liều thuốc chống đông máu.

Tóm lại, tương tác thuốc xảy ra có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng hoặc thông báo cho bác sĩ biết những thuốc đang dùng có nguy cơ, giúp bác sĩ kê đơn an toàn, hợp lý và đạt hiệu quả.

21668847685.jpeg

Hãy báo với bác sĩ của bạn những thuốc bạn đang dùng

10.Bảo quản Ciprofloxacin như thế nào

Theo tin tức y dược Ciprofloxacin được bảo quản thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, khô ráo, tránh ẩm, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo chất lượng thuốc. Để thuốc xa tầm tay trẻ em.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  • Drugs.com:  https://www.drugs.com/ciprofloxacin.html
  • Medicines.org.uk: https://www.medicines.org.uk/emc/product/7257/smpc
  • Dược thư quốc gia 2018.

Những lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc Nitrat điều trị cơn đau thắc ngực

Những lưu ý khi sử dụng nhóm thuốc Nitrat điều trị cơn đau thắc ngực

Nhóm thuốc Nitrat là những thuốc được sử dụng phổ biến trong phòng ngừa và điều trị cơn đau thắt ngực. Người bệnh cần lưu ý tuân theo chỉ định của thầy thuốc, giúp phòng tránh các tác hại mà nhóm thuốc này có thể gây ra.
CAFFEINE ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?

CAFFEINE ẢNH HƯỞNG ĐẾN CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?

Có lẽ Cà phê không còn xa lạ với chúng ta và caffeine cũng thế. Chúng ta thường tìm thấy caffein trong cà phê, trà,… Liệu rằng chúng có tốt cho cơ thể của chúng ta vì thế hãy cùng tìm hiểu về những ảnh hưởng của caffeine mang đến.
Nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo của ung thư cổ tử cung

Nắm rõ các dấu hiệu cảnh báo của ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của phụ nữ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy, các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung là gì?
 Những lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu Thiazide

 Những lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu Thiazide

Thuốc lợi tiểu Thiazide được sử dụng nhằm mục đích gia tăng khả năng đào thải nước, muối ở thận, hỗ trợ điều trị phù nề liên quan đến suy tim mạn tính, tăng huyết áp, xơ gan, rối loạn chức năng thận. Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng thuốc lợi tiểu Thiazide cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cần lưu ý.
Đăng ký trực tuyến